TƯ VẤN

 

VIÊM DA BÀN TAY


Viêm da bàn tay (còn gọi là bệnh chàm bàn tay) thường liên quan đến yếu tố cơ địa, tiếp xúc với chất kích thích hoặc dị ứng. Nó thường liên quan đến ngành nghề công tác như công việc dọn dẹp vệ sinh, nấu ăn, phục vụ nhà hàng, làm tóc móng, cơ khí, xây dựng, làm ruộng, nương rẫy, thủy sản,… nên còn được gọi là viêm da nghề nghiệp.
Viêm da bàn tay có thể ở mu tay, lòng bàn tay hoặc cả hai. Thường bắt đầu với những tổn thương nhẹ, nếu không được điều trị nó có thể trở nên nghiêm trọng và dai dẳng. Tổn thương ban đầu có màu đỏ và khô, sau đó tiến triển thành sẩn, mụn nước và ngứa, tiếp theo tiến triển thành sẹo, vết nứt, tiết dịch và sưng phù. Nếu nhiễm trùng do vi khuẩn có thể gây mụn mủ, vảy cứng và cảm giác đau. Viêm da nặng và dai dẳng ở các đầu ngón tay có thể gây biến dạng móng tay. Viêm da bàn tay có thể lây lan làm ảnh hưởng đến các vị trí khác, đặc biệt là cánh tay và bàn chân. Tổn thương có thể là cơ hội cho việc bội nhiễm vi khuẩn, nấm và kí sinh trùng.
 
Một số hình ảnh Viêm da bàn tay
 
 
 
 
 
 
 

Các yếu tố làm viêm da bàn tay trầm trọng và dai dẳng hơn

 

Yếu tố cơ địa
Một số người dễ bị viêm da bàn tay hơn những người khác, họ thường có tiền sử gia đình về bệnh viêm da dị ứng (như mày đay), hen suyễn hay sốt cỏ khô (hay fever) thì họ thường bị viêm mạn tính hơn. Đôi khi viêm da bàn tay nặng hơn liên quan đến sự xuất hiện tình trạng stress.
Viêm da tiếp xúc kích ứng
Các yếu tố nghề nghiệp phổ biến nhất dẫn đến viêm da là thường xuyên ngâm bàn tay trong nước. Đặc biệt là da tiếp xúc với chất tẩy rửa (thuốc nhuộm tóc và dầu gội đầu) hoặc các dung môi (ví dụ màu vẽ của họa sỹ và nhựa thông). Một khi đã xuất hiện viêm da bàn tay thì yếu tố chấn thương do lực và ma sát cũng như tiếp xúc tiếp tục với hóa chất kích ứng thì hậu quả tổn thương sẽ trầm trọng hơn và dai dẳng hơn.
Hiện tượng Dị ứng
Dị ứng miễn dịch quá mẫn là tình trạng da của người này phản ứng bất thường với một chất mà người khác không bị ảnh hưởng, ví dụ xuất hiện mày đay (đỏ, sưng và ngứa) khi mang găng tay cao su, hiên tượng này có thể kéo dài khoảng 20 phút sau khi cởi bỏ găng tay ra, trường hợp nặng có thể gây sốc phản vệ (phát ban ồ ạt toàn thân, khó thở và suy sụp). Hay có trường hợp ăn thịt gà, đồ ăn biển thì tổn thương viêm da bàn tay tăng nặng hơn,…
Viêm da dị ứng tiếp xúc xảy ra sau vài giờ đến vài ngày khi tiếp xúc với yếu tố gây dị ứng, vì vậy việc xác định nguyên nhân có thể rất khó. Rất nhiều yếu tố có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng như niken, nước hoa, găng tay cao su, thuốc nhuộm tóc, kem làm đẹp,…
 

Điều trị

 

Viêm da bàn tay thường hồi phục hoàn toàn nếu được quan tâm và điều trị đúng cách. Nếu tình trạng nhẹ chỉ cần cách ly với môi trường làm việc có yếu tố gây viêm da bàn tay. Trường hợp tổn thương nặng và dai dẳng thì cần xem xét đến việc thay đổi nghề nghiệp là cần thiết.
  • Tránh làm những công việc liên quan đến ẩm ướt, tiếp xúc với chất kích thích.
  • Bảo vệ bàn tay của bạn bằng cách sử dụng găng tay ni lông. Tránh mang găng tay quá lâu, tăng tiết mồ hôi làm tình trạng viêm nặng thêm. Đảm bảo găng tay phải sạch bên trong.
  • Sử dụng kem giữ ẩm thường xuyên.
  • Dùng kem steroids để giảm viêm.
  • Trường hợp bị nhiễm trùng uống thêm kháng sinh chống vi khuẩn hay nấm
Cần đến gặp bác sĩ da liễu nếu da của bạn lâu lành hoặc nghiêm trọng. Bạn có thể được điều trị bằng một đợt steroids uống hoặc thuốc ức chế miễn dịch khác. Nếu có điều kiên nên kết hợp điều trị tia cực tím (PUVA) có thể giúp tổn thương mau lành.
 

 BS. Lương Trường Sơn

 

 

 





Facebook
Email: dalieudongdieu@gmail.com
dalieuvietnam@gmail.com

Sơ Đồ Đường Đi

Tìm Kiếm

TỪ ĐIỂN

TÌM HIỂU DA CỦA BẠN

Liên Kết Website



BỘ Y TẾ
BỘ Y TẾ - CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
BV Da liễu trung ương Quy Hòa
BV Da liễu TP.HCM
BV Da liễu Trung Ương
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương

Quảng Cáo

Liên Hệ: 0913.407.557
Quảng cáo
Quảng cáo

FACEBOOK

Số Lượng Truy Cập