CÁC BIỂU HIỆN NGOÀI DA CỦA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG
Bệnh tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa đường gây nhiều biến chứng hệ thống mà chủ yếu là các thương tổn hệ tim mạch, mắt, thận tiết niệu, hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên, da và niêm mạc. Bệnh tiểu đường là một bệnh khá nguy hiểm, được xem như là “đại dịch” ở các nước đang phát triển.
Có tới gần 1/3 số bệnh nhân tiểu đường có biểu hiện bệnh ngoài da, niêm mạc. Hầu hết do bệnh diễn tiến nhiều năm và do việc điều trị bệnh tiểu đường không tốt dẫn đến các biến chứng này.
- Các biến chứng do bệnh gây thương tổn mạch máu: các mạch máu lớn và nhỏ đều có thể bị thương tổn. Các mao động mạch và tĩnh mạch đều bị thương tổn vì vậy gây nên các bệnh lý trong võng mạc, bệnh lý thận và có thể các bệnh lý thần kinh, da do tiểu đường gây nên.
- Viêm quầng: bệnh thường xảy ra ở vùng chân, bàn chân trên những bệnh nhân tiểu đường lớn tuổi và bị tiểu đường khoảng trên 5 năm. Có thể bệnh nhân còn bị hoại tử xương do các mạch máu nhỏ tổn hại không nuôi dưỡng xương.
- Loét hoại thư ướt ở chân: thường là biểu hiện muộn của các thương tổn mạch máu nhỏ, biểu hiện này trái ngược với loét hoại thư không do tiểu đường là loét khô do thiểu năng các mạch máu lớn.
- Chứng đỏ da mặt thường đỏ một cách đặc biệt, đôi khi lan cả xuống bàn tay, bàn chân và tồn tại lâu và là dấu hiệu đặc trưng có thể góp vào chẩn đoán bệnh.
- Các bệnh da do tổn thương mao mạch trong bệnh tiểu đường gây nên: Đây là biểu hiện hay gặp nhất về bệnh da do tiểu đường gây nên. Bệnh học cho thấy các mạch máu nhỏ và có thể cả các rối loạn thần kinh tham gia vào bệnh lý này. Các vị trí hay bị tổn thương là cẳng chân, cẳng tay, đùi, các đầu xương. Có tới một nửa số bệnh nhân tiểu đường bị các thương tổn này, nam mắc nhiều hơn nữ. Thương tổn bắt đầu là sẩn có hình tròn, bầu dục, màu đỏ đậm, kích thước khoảng 0,5 đến 1cm. Tổn thương tiến triển chậm, có vẩy da và để lại sẹo teo màu nâu. Bệnh lý da loại này thường kèm các thương tổn võng mạc mắt, bệnh lý thận và thần kinh ngoại biên.
- Các bệnh lý do tổn thương mạch máu lớn: Biểu hiện là các vữa xơ động mạch gây nên ở các đầu chi, với biểu hiện bàn tay, bàn chân có những cơn xanh tím và lạnh. Hậu quả có thể gây thương tổn nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, huyết khối mạch não, xơ thận, hoại thư chân, tay.
- Bệnh lý thần kinh do tiểu đường. Những bệnh nhân lớn tuổi bị tiểu đường thường bị các thương tổn thần kinh vận động và cảm giác ở các đầu chi. Chính các thương tổn thần kinh này dẫn đến nhiều tổn hại cho tay chân người bệnh mà điển hình nhất là loét lỗ đáo bàn chân không đau, có thể dẫn đến viêm xương. Loét nặng hơn do bàn chân bị rủ, mất cảm giác làm người bệnh không biết nên loét càng nặng hơn. Chân còn bị khô da do mất tiết mồ hôi, các biểu hiện khác là phù, đỏ da và teo da. Các ngón chân cũng bị tổn hại, hoại tử, hoại thư và viêm xương. Kẽ chân thì ẩm ướt làm cho dễ bị nhiễm trùng, nhiễm nấm.
- Các nhiễm trùng da do tụ cầu, Liên cầu nhóm A, với các biểu hiện nhọt, nhọt cụm, lẹo mắt. Biến chứng nghiêm trọng có thể gặp là viêm tai giữa do Pseudomonas có thể dẫn đến hủy hoại thần kinh sọ não, viêm màng não gây tử vong. Một số vi khuẩn khác như E. coli, Klebsiella, Pseudomonasgây hoại thư sinh hơi trên da.
- Nhiễm nấm Candida albicans ở miệng, kẽ móng, sinh dục và các nếp gấp lớn của da là bệnh lý rất thường gặp trên người bệnh tiểu đường, đặc biệt trên những người không kiểm soát được đường huyết.
- Một số bệnh nhân tiểu đường còn bị bệnh gai đen (acanthosis nigricans), đó là vùng da bị đen dày ở nách, có nhú gai. Điều trị khó, bệnh có thể nhẹ khi kiểm soát được đường máu.
- Các biểu hiện khác của da trong bệnh tiểu đường: đó là teo mỡ dưới da, hay gặp ở mặt trước xương chày. U hạt hình nhẫn lan tỏa, xuất hiện các bọng nước, chứng ngứa da, gây cứng khớp và da bị vàng sáp, xơ cứng da, bạch biến, liken phẳng, u vàng, các u mềm treo trên da, viêm nang lông…
- Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bị bạch biến cao hơn ở người bị tiểu đường nhưng tiến triển không khác so với người bình thường mắc bệnh này. U hạt hình nhẫn lan tỏa là bệnh da mãn tính, không triệu chứng và thường gặp ở vùng lưng bàn tay, chân, khuỷu.
- Bọng nước do đái tháo đường, các tổn thương trông giống như là vết phồng rộp do bị bỏng nhưng có thể xuất hiện tự nhiên, kích thước thường lớn, không bị đau và không có biểu hiện viêm tấy đỏ. Chúng thường xuất hiện ở mặt lưng của ngón tay, bàn tay, ngón chân và bàn chân. Thông thường các phỏng nước này sẽ lành sau khoảng 2- 3 tuần mà không để lại sẹo. Những bệnh nhân bị tổn thương thần kinh do đái tháo đường hay bị mắc loại tổn thương này.
- U vàng (xanthomas): Trên da nổi những đám da vàng sẫm, mềm. Chúng thường xuất hiện ở phần lưng tay, mu chân, cẳng chân và hông. Nam giới trẻ mắc đái tháo đường týp 1 thường hay mắc tổn thương u vàng. Khi xét nghiệm mỡ máu và cholesterol máu thường rất cao, nếu đường máu ổn định tốt, các u mỡ vàng này có thể sẽ biến mất.
- Chứng xơ cứng ngón tay (sclerodactyly): Thường gặp ở 1/3 số bệnh nhân mắc đái tháo đường týp 1. Biểu hiện da tay dày khô, các ngón tay teo cứng. Mu bàn tay trông như sáp, da ngón chân dày. Ngón tay bị cứng và mất đi một số cử động. Trong một số trường hợp hiếm gặp, khớp cổ chân, khớp gối, khớp khuỷu tay cũng có thể bị cứng lại.
- Biến chứng xơ vữa mạch máu trên bệnh nhân tiểu đường lâu năm sẽ làm cho tưới máu nuôi dưỡng cho da bị giảm sút dần đến một số thay đổi trên da như: da bị mỏng đi, sáng màu, rụng lông và sờ vào thấy lạnh. Cảm giác lạnh ngón chân. Khi đi lại, kể cả với khoảng cách ngắn cũng thấy đau chân. Sự thiếu máu khiến cho các vết thương lâu lành, những tổn thương rất nhỏ cũng có thể dẫn đến nhiễm khuẩn nặng nếu không điều trị sớm.
TS.BS. Nguyễn Duy Hưng