BỆNH GIUN ĐŨA CHÓ MÈO
Giun đũa chó (Toxocara canis), giun đũa mèo (Toxocara cati) ký sinh ở chó và mèo. Khi nuôi chó, mèo thả rong, chúng phóng uế phân bừa bãi vào môi trường sống làm cho môi trường sinh hoạt bị nhiễm bẩn. Con người là đối tượng có nguy cơ bị ấu trùng giun đũa chó và giun đũa mèo xâm nhập vào cơ thể để gây bệnh với hiện tượng lạc chủ của ký sinh trùng từ chó, mèo sang người. Người dân hay gọi là bệnh sán lãi chó.
Nguồn nhiễm
Giun đũa chó trưởng thành sống trong ruột non của chó. Trứng giun theo phân ra đất, phát triển thành ấu trùng.
Phương thức lây truyền
Con người trong quá trình tiếp xúc ăn phải ấu trùng giun đũa chó, mèo. Sau khi xâm nhập cơ thể người (chủ yếu qua đường tiêu hóa), nó sẽ chui qua thành ruột non, theo đường máu đi đến các cơ quan nội tạng khác như gan, tim, phổi, mắt.
Ấu trùng cũng có thể xâm nhập qua da nhất là da non.
Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng lâm sàng phụ thuộc rất nhiều vào số lượng và vị trí ký sinh của sán đối với vật chủ, và biểu hiện triệu chứng bắt đầu từ các cơ quan bị nhiễm. Có thể không có triệu chứng, có thể nhiễm trùng nhẹ, ấu trùng có thể lang thang trong gan, phổi, tim, não, mắt và có thể gây ra hội chứng tăng Eosin mạn tính, tăng bạch cầu, sốt, gan to, viêm phế quản, giả hen, viêm phổi, viêm cơ tim, động kinh hoặc trì trệ trí tuệ, viêm võng mạc, viêm kết mạc, viêm màng bò đào, viêm nhãn cầu...
Trong quá trình lưu hành trong cơ thể chúng đi đến các mô khác nhau và gây ra rất nhiều triệu chứng ở người rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Biểu hiện hay gặp là:
- Ngứa ngoài da(nổi mề đay)
- U hạt do ấu trùng (larval granulomatosis),
- Hội chứng ấu trùng di chuyển trong tạng (visceral larva migrans syndrome),
- Hội chứng "ấu trùng di chuyển ngoài da".
- Hội chứng ấu trùng di chuyển trong cơ quan mắt (ocular larva migrans syndrome)
Và phần lớn là nhiễm giun đũa chó/mèo ẩn không triệu chứng (covert toxocariasis).
Cận lâm sàng
- Test huyết thanh miễn dịch ELISA (+)
- Phương pháp ELISA đo mật độ quang
Vì sau khi giun chết thì kháng thể vẫn còn tồn tại trong máu người bệnh một thời gian khá dài, do đó xét nghiệm để theo dõi kết quả điều trị có đáp ứng hay không thì phải lá 6 tháng và 12 tháng sau điều trị, nếu hiệu giá kháng thể giảm dần thì liệu trình điều trị có đáp ứng tốt.
Chẩn đoán
- Chẩn đoán lâm sàng thường không chắc chắn vì triệu chứng giun đũa chó, mèo không điển hình.
- Chủ yếu dựa vào cận lâm sàng (xét nghiệm huyết thanh miễn dịch ELISA)
Điều trị
Thuốc:
- Thiabendazole
- Dietylcarbamazine
- Albendazole
Không nên tự ý dùng thuốc tại nhà. Bệnh chữa khỏi được hoàn toàn khi được khám, xét nghiệm, điều trị tại các phòng khám chuyên khoa. Tại Việt Nam có rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh, tuy nhiên hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực Ký sinh trùng phải kể đến các Viện: Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương (đóng tại thủ đô Hà Nội), Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn (đóng tại thành phố Quy Nhơn) và Viện sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng thành phố Hồ Chí Minh (có thể liên hệ qua Phòng khám Da liễu Đồng Diều)
Phòng bệnh
-
Rửa tay sau khi chơi ở nơi có đất cát và vật nuôi.
-
Kiểm tra phân của những chó con hàng tuần và tẩy giun mỗi tháng cho đến khi phân trở nên âm tính; Phải có quy trình kiểm tra phân định kỳ mỗi năm cho chó và có kế hoạch điều trị cần thiết;
-
Không để chó chạy trong khu vườn chơi trẻ con, công viên và không để trẻ chơi với chó.
-
Nhanh chóng loại bỏ các thùng chứa phân chó, nơi gủ của chó cần phải cách ly với người và phải được dọn sạch, khử trung hàng ngày;
-
Kiểm soát chó chặt chẽ và buộc dây xích, không để chó nhảy rông.
-
Tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho công đồng và những chủ vật nuôi bởi các nhà thú y, các thầy thuốc, các nhà hoạt động xã hội để góp phần vào công tác dự phòng và phòng chống bệnh.
-
Hạn chế tối đa tiếp xúc, các chó mèo bị nhiễm và môi trường nghi ngờ có bệnh.
Nguồn: www.impe-qn.org.vn