TƯ VẤN

BỆNH DA – BỆNH CỦA TÂM HỒN

Từ khi còn là phôi thai, tế bào da và não cùng xuất phát từ một mô. Mối quan hệ này tiếp tục duy trì cho đến khi cơ thể trưởng thành, và mật thiết đến nỗi sự bất ổn của tinh thần được thể hiện bằng một bệnh ở da. Đôi khi bệnh da liễu có thể khiến người ta sầu não và đánh giá thấp bản thân.

Bệnh vẩy nến, bạch biến, ngứa hoặc trứng cá lâu nay vẫn được xem là dấu hiệu của sự suy sụp tinh thần hay sự thất vọng về tình cảm. Vì thế, đôi khi những cách thể hiện tình yêu hay sự thư giãn như vuốt ve, âu yếm lại có thể trị bệnh hiệu quả. Bác sĩ Sylvie Consoli, một chuyên gia về da liễu, đồng thời là nhà phân tâm học, sẽ giải thích rõ hơn về hiện tượng này.

- Bác sĩ vừa là chuyên viên khoa da, vừa là một nhà phân tâm học, đó là một sự kết hợp hiếm thấy. Điều gì đã khiến ông chọn hai ngành này?

- Khi đi theo ngành y, tôi quan tâm đến người bệnh nhiều hơn bản thân căn bệnh. Tôi đã chọn khoa da liễu bởi vì da bao phủ toàn bộ cơ thể và phản ánh về một con người chân thực hơn bất kỳ cơ quan nào. Ta có thể đọc được cảm xúc trên da qua các biểu hiện da đỏ, tái hay nổi da già. Da cũng có thể giúp ta đoán được tuổi tác dựa vào những chấm râu của tuổi dậy thì hay những nếp nhăn đầu tiên ở người trưởng thành. Da còn giúp ta hiểu hơn về lối sống với những thay đổi trên da khi phơi nắng hoặc hút thuốc lá. Da còn ghi lại những biến cố trong đời qua sẹo và những vết tích của tai nạn. Giáo sư Seguier, một chuyên gia nổi tiếng về nội khoa bị mù, lại có khả năng chẩn đoán chính xác những căn bệnh mà đồng nghiệp sáng mắt của ông không thể ngờ tới, chỉ nhờ vào việc lắng nghe lời nói và chạm tay vào da của người bệnh. Ngôn từ và da liên quan chặt chẽ với nhau. Tôi tốt nghiệp khoa da trước, rồi mới tìm đến phân tâm học với mục đích dựa vào chuyên khoa này đề giải quyết những thắc mắc cá nhân. Kinh nghiệm này đã làm biến đổi sâu sắc cách điều trị của tôi và giúp tôi ý thức sâu sắc tầm quan trọng của mối liên hệ giữa da và tâm thần.

- Có người so sánh da như một "bộ não được phơi bày". Cách ví von này muốn nói lên điều gì?

- Não và da có cùng xuất xứ từ ngoại bì (ectoderme) ngay từ những ngày đầu tiên của sự sống. Đó là vì sao người ta thường ví da như "bộ não được phơi bày". Nhiều tuần sau khi thụ thai, các tế bào phân hóa, trong đó một số đã trở thành hệ thần kinh, số khác tạo thành biểu bì, tóc, móng. Song nguồn gốc chung và bản chất gần nhau giữa da và não bộ đã liên kết chúng chặt chẽ với nhau.

Nhà phân tâm học Didier Anzieu đã cho rằng, trẻ sơ sinh tạo dựng mối quan hệ với mẹ và thế giới xung quanh qua sự tiếp xúc của da, rồi phát triển trở thành một cá nhân tự chủ. Thoạt đầu, trẻ không nhận ra sự khác biệt, và cho rằng mẹ và bé hợp thành một tấm da chung: mặt ngoài là mẹ, mặt trong là bé. Dần dần, lớp da "tinh thần" vô hình sẽ tách ra để bé đạt được sự tự chủ. Kể từ lúc này, tình yêu thương và sự âu yếm của mẹ giúp bé học cách chấp nhận sự "chia cách" này mà không tạo các di chứng hay tổn thương. Nếu mọi sự diễn ra suôn sẻ, da của người trưởng thành vẫn có thể lưu giữ những ký ức tích cực. Ngược lại, chỉ một trục trặc trong mối quan hệ giữa mẹ và bé có thể để lại những dấu vết tiêu cực. Tôi từng biết một bé gái không bao giờ có thể xa rời mẹ, và thường lên cơn eczema mỗi khi phải xa mẹ.

- Một bệnh về da là triệu chứng của tình yêu bị tổn thương?

- Trên thực tế thì hiện tượng trên rất phức tạp, vì bệnh da liên quan đến nhiều yếu tố. Bệnh có thể có nguồn gốc di truyền, vi khuẩn, virus hoặc tự miễn. Nhưng trong một số trường hợp, khi bệnh kháng lại mọi cách điều trị, ta có thể xem bệnh là biểu hiện một tình cảm bất hạnh. Chẳng hạn bệnh chàm (eczema) là do yếu tố di truyền gây nên, nhưng nó có thể nặng thêm do một xung đột tình cảm. Tôi đã chứng kiến một phụ nữ trẻ sử dụng bệnh vẩy nến của mình để tránh né chuyện ân ái. Cũng có bệnh da thể hiện những rối loạn tâm thần, ví dụ chứng ngứa dữ dội có thể là dấu hiệu của một cơn giận dữ bị đè nén. Trong trường hợp này, người bệnh quay sang chống lại bản thân bằng cách gãi cho đến khi chảy máu. Ngược lại, một bệnh da gây mất thẩm mỹ cũng tác động xấu đến cuộc sống tình cảm, như bệnh vảy hoặc herpes sinh dục sẽ làm hỏng xung năng dục tình. Một bệnh về da có thể khiến bệnh nhân sầu não và đánh giá thấp bản thân.

- Những cách trị liệu trên cơ thể, đặc biệt là mát xa, có thể giúp chữa khỏi bệnh?

- Đã có bằng chứng khoa học cho thấy, những người bị stress mạnh, chẳng hạn sinh viên trong giai đoạn thi cử, sẽ lên sẹo chậm và xấu hơn so với những người trong trạng thái bình quân cảm xúc. Cũng vậy, nhiều nghiên cứu khẳng định những người bị đè nén cảm xúc thì dễ suy giảm miễn dịch. Một viện nghiên cứu về tiếp xúc qua xúc giác ở Miami (Mỹ) đã tiến hành những nghiên cứu về tác dụng của mát xa đối với những bệnh như viêm da dị ứng hay bỏng. Những bệnh nhân bỏng trước khi được điều trị bằng mát xa thì rất đau đớn, nhưng sau khi được mát xa thì ít đòi hỏi thuốc giảm đau hơn. Quan hệ qua xúc giác đã khiến họ tăng sức chịu đựng.

Mát xa có giúp bé khỏe mạnh hơn?

- Đương nhiên. Da là cơ quan tiếp nhận thông điệp và ghi nhớ. Mát xa truyền cho bé tình yêu của cha mẹ, trong đó bao gồm cả mùi hơi và âm sắc giọng nói của họ. Cái vuốt ve của mẹ sẽ đánh thức ở bé những cảm giác lạc thú căn bản. Tiếp xúc ấy tạo cho bé một sinh lực trong tương lai và lòng khao khát sống. Mát xa cũng cho bé sự đề kháng hiệu quả hơn với những bất hạnh có thể xảy ra với thể xác và tâm hồn.

- Trứng cá ở tuổi thiếu niên nói lên điều gì? Có phải đó là do yếu tố tâm lý?

- Mụn trứng cá là hệ quả của sự tiết bã nhờn quá độ, bị kích thích bởi hoạt động sản xuất hoóc môn ở tuổi dạy thì. Đã có những cách trị liệu hiệu quả đối với chứng bệnh này. Nhưng cách điều trị còn tùy thuộc vào trạng thái tâm thần của bệnh nhân.

- Khi nào cần đến liệu pháp tâm lý phân tích?

- Nếu nhận thấy có sự bất an tâm thần tiềm ẩn sau căn bệnh, và bệnh chỉ là một cách biểu hiện, thì bệnh nhân có thể nhờ đến liệu pháp tâm lý. Đồng thời, nếu cảm giác những cơn kịch phát của một bệnh da như mày đay mạn tính hay vẩy nến đi theo nhịp của các xung đột tình cảm, thì liệu pháp tâm lý có thể có ích. Tóm lại, khi bệnh da là một vấn đề thực sự, dù thuộc về xã hội, tình cảm hay nghề nghiệp và gây trở ngại cho cuộc sống thì bạn nên hỏi ý kiến một nhà phân tâm học.

(Theo Khoa Học & Đời Sống)

 





Facebook
Email: dalieudongdieu@gmail.com
dalieuvietnam@gmail.com

Sơ Đồ Đường Đi

Tìm Kiếm

TỪ ĐIỂN

TÌM HIỂU DA CỦA BẠN

Liên Kết Website



BỘ Y TẾ
BỘ Y TẾ - CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
BV Da liễu trung ương Quy Hòa
BV Da liễu TP.HCM
BV Da liễu Trung Ương
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương

Quảng Cáo

Liên Hệ: 0913.407.557
Quảng cáo
Quảng cáo

FACEBOOK

Số Lượng Truy Cập