Vẩy phấn hồng
(Pityriasis rosea)
Vẩy phấn hồng (Pityriasis rosea) là một bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ em và lứa tuổi thanh thiếu niên hoặc đôi khi ở lứa tuổi trung niên, nữ nhiều hơn nam, thường bắt đầu bằng một đốm hồng ban tróc vẩy to ở vùng ngực, bụng hay lưng và sau đó lan rộng khắp người.
Bệnh xảy ra nhiều nhất vào mùa xuân và mùa thu, thường tự khỏi sau 4-8 tuần không để lại dấu vết. Tuy nhiên, vì bệnh gây khó chịu và dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh ngoài da khác cũng có sang thương hồng ban tróc vẩy nên bệnh nhân cần phải được hướng dẫn xử trí đúng (như nấm da, lang ben, mề đay, vảy nến, á vảy nến, chàm,…).
Triệu chứng
Vẩy phấn hồng điển hình thường bắt đầu bằng một đốm hồng ban rộng lớn, tróc vẩy, hơi nhô cao trên bề mặt da. Vị trí thường gặp ở ngực , bụng, lưng. – gọi là mảng hồng ban khới đầu.
Sau đó, trong từ vài ngày đến vài tuần, nhiều đốm hồng ban nhỏ hơn, đường kính 0,5cm- 2cm, tróc vẩy, xuất hiện tiếp tục khắp ngực, lưng, bụng phân bố theo dạng hình cây thông. Ít gặp ở vùng mặt hay tứ chi.
Tổn thương có thể ngứa rất nhiều (đặc biệt khi thân nhiệt bệnh nhân quá nóng) hoặc có trường hợp không hề ngứa.
Tổn thương vẩy phấn hồng thường xếp giống hình vẩy cá và có màu hồng. Nếu bệnh nhân có da sậm màu, sang thương có thể có màu xám, nâu sậm hay màu trắng.
Khoảng 50% bệnh nhân bị vẩy phấn hồng cũng có các triệu chứng nhiễm trùng (virus) hô hấp trên như: nghẹt mũi, đau cổ họng, ho…trước khị mảng hồng ban khởi đầu của vẩy phấn hồng xuất hiện.
Các hồng ban có thể khỏi hoàn toàn không để lại dấu vết. Tuy nhiên nếu da bệnh nhân sâm màu, tại các vị trí của sang thương mất đi có thể còn lưu lại các đốm nâu.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh chính xác của vẩy phấn hồng vẫn chưa được xác định rõ. Người ta cho rằng có vai trò của sự nhiễm một vài chủng herpes virus như HHV6, HHV7. Tuy nhiên, người ta cũng không cho rằng bệnh có thể truyền nhiễm.
Bệnh nhân được khuyến cáo nên đi khám bệnh khi có các triệu chứng đặc biệt sau:
- Xuất hiện mảng hồng ban rộng lớn, tróc vẩy ở vùng ngực, lưng, bụng, cánh tay.
- Có nhiều hồng ban xuất hiện tiếp theo khắp ngực, lưng, bụng hay có thể có thêm ở mặt, tứ chi.
Nếu bệnh nhân đã được chẩn đoán là bị vẩy phấn hồng mà tổn thương vẫn không khỏi sau 3 tháng, cần phải đến tái khám bác sĩ chuyên khoa Da Liễu ngay.
Điều trị
Đa số các trường hợp, vẩy phấn hồng sẽ tự khỏi bệnh sau 4-8 tuần không cần phải dùng thuốc. Việc điều trị chủ yếu là kiểm soát triệu chứng ngứa. Các thuốc kháng virus (acyclovir , famciclovir) hay kháng sinh (erythromycin) có thể rút ngắn thời gian kéo dài của vẩy phấn hồng xuống 1-2 tuần. Nếu bệnh nhân ngứa nhiều, bác sĩ điều trị có thể dùng thêm:
-Kem, mỡ có Steroid: Elomet, Flucinar, Diprosone, Dermovate, Lorinden…giúp tổn thương giảm ngứa và bớt đỏ.
-Thuốc kháng histamines. Cetirizine, Fexofenadine, Chlorpheniramine, Loratadine.
- Quang trị liệu. Chiếu tia cực tím UVB vào sang thương da.
Để giảm cảm giác khó chịu, bệnh nhân đươc khuyên nên tắm nước ấm với dung dịch Calamine và tránh các hoạt động thể lực gây mồ hôi nhiều, nghỉ ngơi trong điều kiện nhiệt độ mát và thông khí tốt.
Một số hình ảnh Bệnh Vảy phấn hồng
XEM THÊM KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ
BS. Lương Trường Sơn.