MỘT SỐ KỸ THUẬT CAO TRONG SĂN SÓC THẨM MỸ DA
Khoa học nói chung và y học nói riêng luôn không ngừng tiến bộ cùng với nhu cầu được trẻ hóa và làm đẹp ngày càng gia tăng làm cho lĩnh vực thẩm mỹ da ngày càng phát triển và thu hút sự chú ý của xã hội. Vì vậy các công nghệ, kỹ thuật trong lĩnh vực này trở nên rất đa dạng và có thể giải quyết những vấn đề về thẩm mỹ da mà trước đây tưởng như là không thể. Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi giới thiệu một số kỹ thuật thường gặp trong săn sóc thẩm mỹ da tập trung vào những đặc điểm cơ bản và chỉ định chính.
Lột da bằng hóa chất (chemical peeling)
Trong thủ thuật này, một hóa chất dạng dung dịch được bôi lên da làm tạo vết thương ở bì và thượng bì để loại bỏ các sang thương nông và cải thiện kết cấu da. Lột nông kích thích phát triển thượng bì nhờ loại bỏ lớp sừng mà không hoại tử. Sau khi tróc ra, thượng bì dầy lên với thay đổi tái tạo về chất. Lột trung bình hủy thượng bì nhiều hơn và gây viêm ở bì nhú. Cuối cùng, lột sâu tạo đáp ứng viêm xuống tận bì lưới, kích thích sản xuất collagen và chất nền mới.
Bảng 1. Các phương pháp lột da bằng hóa chất
Mức độ lột da
|
Phương pháp
|
Nông – rất nhẹ
|
Công thức nhẹ của glycolic acid hay AHAs khác
10–20% TCA
Dung dịch Jessner’s
Tretinoin
Salicylic acid
|
Nông – nhẹ
|
70% glycolic acid
Dung dịch Jessner’s
25–30% TCA
|
Trung bình
|
88% phenol
35–40% TCA
Jessner’s – 35% TCA
70% glycolic acid – 35% TCA
Solid CO2 – 35% TCA
|
Sâu
|
Baker-Gordon phenol
TCA nồng độ >50%
|
(Nguồn: “Facial Rejuvenation”)
|
Chỉ định: Dày sừng ánh sáng, lão hóa da ánh sáng mức độ trung bình, rối loạn sắc tố, sẹo mụn nhẹ, phối hợp với những thủ thuật tái tạo da khác (vd. laser).
Thủ thuật này tương đối đơn giản, nếu thực hiện đúng trên bệnh nhân được chọn lựa phù hợp, kết quả sẽ theo ý muốn của Bác sĩ. Lột nông được sử dụng cho những tổn thương nhẹ với thời gian nghỉ dưỡng ít, trong khi đó lột sâu cần nhiều thời gian nghỉ dưỡng đáng kể để đem lại những kết quả ngoạn mục và lâu dài.
Khó khăn của lột da bằng hóa chất là cách chọn lựa loại hóa chất thích hợp cho mỗi bệnh nhân. Việc theo dõi và chăm sóc bệnh nhân trong quá trình lành vết thương cần phải có kinh nghiệm để nhận biết biểu hiện bình thường của vết thương cho mỗi mức độ lột ở những khoảng thời gian khác nhau.
LASER
Laser điều trị các thương tổn mạch máu
Hiện nay loại laser thường sử dụng nhất trong điều trị thương tổn mạch máu là Pulse Dyed Laser (PDL). Ban đầu loại laser này được thiết kế để điều trị các mạch máu nhỏ của Port Wine Staines (PWS) ở trẻ em, nhưng sau đó các thông số được biến đổi thành xung và bước sóng dài hơn để điều trị mạch máu lớn và sâu hơn. Những loại laser khác điều trị các thương tổn mạch máu là KTP, alexandrite 755 nm, Nd:YAG 1064.
Chỉ định:
Điều trị thương tổn mạch máu: Port Wine Staines; Giãn tĩnh mạch cẳng chân; Spider angioma; Cherry angioma; Hồ tĩnh mạch; Angiokeratoma; Trứng cá đỏ; Poikiloderma of Civatte; Giãn mạch do tia xạ; Hội chứng CREST
Laser điều trị các thương tổn sắc tố và xóa xăm
Những loại laser điều trị thương tổn sắc tố và xóa xăm là:
- Laser bước sóng liên tục (Continous-Wave Laser – CW Laser): CW argon laser (488 và 514 nm), CW dye laser (577 và 585 nm), CW krypton (521–530 nm), quasi-CW copper vapor laser (510 và 578 nm), erbium (2.940 nm) và CO2 (10.600 nm) laser.
- Q-Switched Lasers: 532-nm frequency-doubled Q-switched Nd:YAG, 694-nm ruby, 755-nm alexandrite, 1064-nm Nd:YAG.
- Pulsed-Dye Laser
- Long-Pulsed Lasers
- Intense Pulsed Light (IPL)
Chỉ định:
Có nhiều loại thương tổn sắc tố, thay đổi theo số lượng, độ sâu và mật độ của melanin hay mực xăm. Phương pháp điều trị tùy thuộc vào vị trí sắc tố (thượng bì, bì hay hỗn hợp), cách sắp xếp (nội bào hay ngoại bào), bản chất sắc tố (melanin hay mực xăm). Những thương tổn sắc tố đáp ứng tốt với laser gồm tàn nhang, nevus Ota, nevus Ito, và “blue” nevus. Kết quả thay đổi khác nhau khi điều trị Dát café sữa (café-au-lait), nevus spilus và nevus Becker. Điều trị các nevus bẩm sinh hay mắc phải vẫn còn là vấn đề bàn cãi vì có khả năng phá hủy không hết những tế bào nevus nằm ở sâu. Melasma và tăng sắc tố sau viêm chỉ cho đáp ứng điều trị vừa phải.
Laser điều trị các thương tổn giảm sắc tố
Các rối loạn giảm sắc tố da có thể điều trị bằng laser gồm bạch biến, sẹo giảm sắc tố, vết rạn da.
Những thiết bị laser có thể kích thích sự tăng sinh và di chuyển của các tế bào hắc tố:
- Tia UVB dải hẹp (NB-UVB) ở bước sóng 311 – 312 nm
- Xenon-chloride (XeCl) excimer laser phát ra ánh sáng cực tím 308 nm
Laser trong triệt lông
Nhiều hệ thống laser đã được FDA (Hoa Kỳ) công nhận trong triệt lông:
- Ruby Lasers 694 nm
- Alexandrite Laser 755 nm
- Diode Laser 800 nm
- Nd:YAG Laser 1064 nm
- Q-Switched Nd:YAG Laser
- IPL
Chỉ định:
Bệnh nhân có thể tìm đến thủ thuật này vì lông mọc quá mức do di truyền hay một bệnh nào đó. Thường gặp hơn là họ muốn triệt phần lông không mong muốn dù lông phân bố và có mật độ bình thường. Đối tượng lý tưởng cho triệt lông bằng laser là người lông tóc đen, da sáng, lượng melanin ít trong lớp thượng bì. Những người như vậy dung nạp được với bước sóng tương đối ngắn, mức năng lượng cao cho hiệu quả tốt. Người da sậm lại hợp với bước sóng dài hơn.
Laser tái tạo bề mặt da bằng bóc tách (ablative)
Gồm 2 loại: laser CO2 và laser erbium.
Chỉ định thường gặp nhất của laser tái tạo bề mặt da bằng bóc tách là nếp nhăn và sẹo mụn. Thủ thuật này đặc biệt hiệu quả trong trường hợp tổn thương do ánh nắng vì dày sừng ánh sáng, đốm nâu dễ dàng bị bóc tách. Những thương tổn ở lớp thượng bì như dày sừng tiết bã hay thậm chí ở lớp bì như tăng sản tuyến bã, nevus, trichoepithelioma, và u tuyến mồ hôi cũng có thể loại bỏ được. Laser CO2 có thể điều trị carcinoma tế bào đáy nông theo cách tương tự như đốt điện và nạo.
Laser tái tạo bề mặt da không bóc tách (nonablative)
Theo cơ chế, có thể chia laser tái tạo bề mặt da không bóc tách thành 2 loại chính:
- Tác động lên mạch máu để khởi động một quá trình biến đổi bằng cách gây tổn thương hệ vi mạch ở lớp bì: PDLs, IPL, IPL kết hợp RF, lasers 1064 nm, laser 1064 nm kết hợp 532 nm.
- Tác động lên nước gây tích tụ nhiệt lượng ở lớp bì: gồm có một số hệ thống laser hồng ngoại (như laser Nd:YAG 1320 nm, laser Diode 1450 nm, laser erbium:glass 1540 nm), hay Radiofrequency (RF) đơn cực.
Chỉ định:
Laser tái tạo bề mặt da không bóc tách chỉ định tốt nhất trên bệnh nhân với những nếp nhăn nhỏ, và nếu sử dụng hợp lý giúp cải thiện tình trạng hồng ban, giãn mạch, rối loạn sắc tố. Bệnh nhân với những rối loạn liên quan đến mạch máu điều trị tốt nhất với PDLs xung dài, IPL, và IPL kết hợp RF. Ở bệnh nhân có khuynh hướng mụn trứng cá, lỗ chân lông to hay tăng sản tuyến bã, những hệ thống laser hồng ngoại sẽ cho kết quả tốt vì tác động lên tuyến bã.
Gần đây đã xuất hiện công nghệ laser vi phân (fractional photothermolysis) được xem là có thể thay thế cả laser bóc tách và không bóc tách. Loại laser này được sử dụng trong điều trị sẹo mụn và trẻ hóa da với tính hiệu quả và độ an toàn cao.
Thủ thuật căng, săn chắc da không xâm lấn (skin tightening)
Một số thiết bị không xâm lấn có thể làm căng da bằng cách đưa nhiệt lượng vào sâu trong da. Nhiệt sẽ gây săn chắc mô ngay lập tức và làm cơ thể khởi phát quá trình tạo collagen mới. Khi đã hình thành collagen mới, da sẽ trở nên chắc và căng hơn. Thời gian nghỉ dưỡng không đáng kể. Các kỹ thuật sử dụng là laser hồng ngoại, ánh sáng hồng ngoại dạng xung, và RF.
Những dấu hiệu lão hóa da chỉ định trong thủ thuật này gồm có:
- Căng da vùng trán và gò má
- Nâng cung mày
- Săn chắc da vùng hàm và cổ
- Giảm nếp nhăn quanh mắt
- Giảm biểu hiện của cellulite
- Săn chắc da vùng bụng, mông, cánh tay và đùi
BOTULINUM TOXIN A (BTX – A)
BTX – A có tác dụng ức chế sự phóng thích acetylcholine tại chỗ nối thần kinh – cơ dẫn đến yếu, liệt cơ. Nhờ vào cơ chế này mà BTX – A được chỉ định điều trị những nếp nhăn động (gây nên do sự co cơ). Hiện nay việc sử dụng BTX – A (Botox®, Dysport®) trong thẩm mỹ đã trở nên phổ biến trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Một số chỉ định chính của BTX – A trong thẩm mỹ da:
- Nếp nhăn gian mày
- Nếp nhăn trán
- Nếp nhăn quanh mắt, khóe mắt
- Chỉnh sửa cung mày
- Nâng góc miệng
- Làm thon gọn khuôn mặt
Ưu điểm của BTX – A là đã được công nhận tính an toàn và hiệu quả trong nhiều chỉ định thẩm mỹ. Trong hơn 15 năm qua Botox® đã cho thấy những hiệu quả lâm sàng nổi bật điều trị nếp nhăn vùng mặt với thời gian hồi phục tối thiểu và không có tác dụng phụ lâu dài.
Tuy nhiên nhược điểm của BTX – A là hiệu quả lâm sàng tương đối ngắn. Những biến chứng của BTX – A thường do kỹ thuật chích kém hoặc chọn lựa bệnh nhân không hợp lý. Những biến chứng thường gặp là bầm, sưng và nhức đầu thoáng qua; ít gặp hơn là sụp mi, bất đối xứng 2 bên khuôn mặt, lé…
CÁC CHẤT LÀM ĐẦY (FILLERS)
Đây là những chất được tiêm vào da để làm đầy những khiếm khuyết như nếp nhăn tĩnh, sẹo lõm.
Bảng 2. Các loại chất làm đầy đã được FDA (Hoa Kỳ) công nhận
Collagen từ bò
|
Zyplast, Zyderm (Allergan; Irvine,CA, USA)
|
Collagen từ người
|
Cosmoderm, Cosmoplast (Allergan; Irvine, CA, USA)
|
Hyaluronic acid
|
Restylane, Perlane (Medicis; Scottsdale, AZ, USA) Captique, Hylaform, Hylaform Plus, Juvederm (Allergan- Irvine, CA, USA)
|
Polylactic acid
|
Scupltra (Dermik; Bridgewater, NJ, USA)
|
Calcium hydroxylapatite
|
Radiesse (BioForm; San Mateo, CA, USA)
|
Polymethylmethacrylate
|
Artefi ll (Artes; San Diego, CA, USA)
|
Liquid silicone
|
Silikon-1000 (Alcon- Fort Worth, TX, USA) FDA công nhận sử dụng trong nhãn khoa
|
(Nguồn: “Facial Rejuvenation”)
|
MESOTHERAPY
Thủ thuật này sử dụng một số dụng cụ (vd. kim nhỏ) tạo ra những lỗ nhỏ ở lớp thượng bì và bì, nhờ vậy thuốc thấm qua da một cách tối ưu. Thuốc được sử dụng tùy thuộc vào các chỉ định như xạm da, nếp nhăn da, sẹo mụn…
CẤY GHÉP TÓC (HAIR TRANSPLANTATION)
Cấy ghép tóc: vùng da có tóc mọc tốt được cắt ra và ghép vào vùng da cần tóc
Chỉ định:
- Rụng tóc androgen (Androgenetic alopecia): nam và nữ
- Rụng tóc lão hóa (Senescent alopecia): ở nữ
- Rụng tóc có sẹo (Scarring alopecia): bệnh gốc đã bất hoạt hơn 6 tháng – lupus dạng đĩa, liken phẳng, bỏng…
- Khiếm khuyết bẩm sinh: alopecia triangularis
GIỚI THIỆU MỘT SỐ KỸ THUẬT CAO TRONG SĂN SÓC THẨM MỸ DA HIỆN CÓ TẠI BV DA LIỄU TP.HCM
Kể từ khi triển khai kỹ thuật cao đầu tiên (hệ thống IPL Ellipse DDD) vào năm 2006, BV Da liễu đã không ngừng đẩy mạnh phát triển lĩnh vực săn sóc thẩm mỹ da. Hiện nay, nhiều kỹ thuật cao đã được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn của khách hàng:
- IPL (gồm hệ thống IPL Ellipse DDD và hệ thống Lumenis One): điều trị xạm da, u mạch, mụn trứng cá, triệt lông, trẻ hóa da…
- Laser Q-switched Nd:YAG với 4 bước sóng 532 nm, 585 nm, 650 nm và 1064 nm (hệ thống Revlite): điều trị xạm da, các loại nevus sắc tố, u mạch, xóa xăm…
- Chiếu đèn LED điều trị mụn trứng cá, trẻ hóa da.
- Ánh sáng xanh điều trị mụn trứng cá.
- Hệ thống VTRAC Excimer Lamp: điều trị bạch biến, vẩy nến, sẹo giảm sắc tố, rạn da.
- Chích BTX – A (Botox) và fillers (Restylane) xóa nhăn và trẻ hóa da.
- Máy điện di ion MESODERM: làm tăng tính thấm của thuốc qua da và vận chuyển các dưỡng chất xuống lớp sâu của da. Những chỉ định chính: trẻ hóa da, trị xạm da, làm săn chắc cơ (mặt và thân mình), mụn trứng cá, sẹo mụn, rụng tóc hói…
- Thực hiện nhiều thủ thuật tiểu phẫu da tại khoa Phục hồi chức năng: điều trị sẹo lõm sau mụn, sẹo lồi, cấy ghép tóc, loại bỏ túi mỡ mắt, cắt bỏ mụn ruồi, nevus, ung thư da kèm tạo hình thẩm mỹ da…
Tài liệu tham khảo
1. Antonella Tosti, Pearl E. Grimes, Maria Pia De Padova. Color Atlas of Chemical Peels. Springer
2. David J. Goldberg (2007). Facial Rejuvenation. Springer
3. David J. Goldberg (2005). Laser Dermatology. Springer
4. David J. Goldberg (2008). Laser Dermatology: Pearls and Problems. Blackwell Publishing
5. Melvin A. Shiffman, Sid J. Mirrafati, Samuel M. Lam (2008). Simplified Facial Rejuvenation. Springer
6. Mitchel P. Goldman, Robert A. Weiss (2006). Advanced Techniques in Dermatologic Surgery. Taylor & Francis Group
7. Neil Sadick, Naomi Lawrence, Ron Moy, Ranella J. Hirsch (2008). Concise Manual of Cosmetic Dermatologic Surgery. The McGraw-Hill Companies
8. Werner L.Mang (2005). Manual of Aesthetic Surgery. Springer
Ths.Bs. Phạm Văn Bắc, Ths.Bs. Nguyễn Trọng Hào
(BV Da liễu TP.HCM)