TƯ VẤN

BỆNH NẤM MÓNG

(Onychomycosis)

 

ĐẠI CƯƠNG VỀ MÓNG

Móng mọc trực tiếp từ biểu bì (epidermis) và được cấu tạo bởi nhiều lớp chất cứng như sừng gọi là keratin. Keratin cũng là thành phần căn bản của tóc và lớp ngoài cùng của da. Móng không có tế bào sống và được mọc ra từ một nhóm tế bào đặc biệt gọi là gian bào (matrix) có nhiều mạch máu, nằm dưới quầng móng (lunular). Quầng móng hình bán nguyệt, màu trắng, nhìn rất rõ ở ngón tay cái. Khi lớp gian bào bị hư tổn thì móng không mọc ra được. Khác với xương, calcium không có ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của móng.
Vào tháng thứ tư của thai kỳ, thai nhi đã bắt đầu có móng trên đầu ngón chân ngón tay. Móng tăng trưởng liên tục suốt đời người chứ không giống như tóc, mọc ít năm, tạm ngưng một thời gian rồi mọc tiếp.
- Móng mọc hướng ra đầu ngón tay, ngón chân, chứ không mọc thẳng đứng như tóc, là do có một lớp da bao quanh chân móng, khiến cho sự tăng trưởng giới hạn hướng về phía trước.
- Mỗi ngày móng tay dài ra khoảng 0,1mm tức là từ 3 đến 5 mm mỗi tháng. Móng tay mọc nhanh hơn móng chân tới 2 hoặc 3 lần. Thời gian cần và đủ để thay mới trọn vẹn một móng là ít nhất 6 tháng.
- Móng mọc chậm ở người cao tuổi, mọc nhanh hơn ở phụ nữ có thai, nam giới và người tuổi trẻ.
- Móng ở ngón tay dài mọc nhanh hơn ở các ngón tay ngắn, có thể vì dễ bị chấn thương, do đó móng ngón tay giữa mọc nhanh, trong khi đó móng ngón tay cái mọc chậm.
- Móng mọc nhanh ở bàn tay dùng thuận, vì máu huyết dồn tới nhiều.
- Vào mùa hạ, móng mọc nhanh hơn so với mùa đông, vì mùa hạ tay chân cử động nhiều, máu tới nhiều. Tương tự, vào ban ngày, móng mọc nhanh hơn về đêm.
- Các chấn thương nhỏ vào móng, như cắn móng sẽ kích thích móng mau lành, do đó móng mọc dài ra nhanh hơn. Tương tự như khi da liên tục bị cọ xát thì sẽ tạo ra lớp tế bào chai rắn.
- Suy dinh dưỡng, nóng sốt, bệnh trầm trọng sẽ trì hoãn sự tăng trưởng của móng.
- Móng mọc nhanh ở người bị bệnh cường tuyến giáp.
- Ngón tay gõ trên bàn phím máy vi tính, máy chữ, phím đàn dương cầm đều kích thích móng mọc nhanh.

BỆNH NẤM MÓNG

Có không ít người phải khổ sở vì bệnh nấm móng tay, móng chân của mình vì chẳng những làm khó chịu, đau ngứa mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ...
Nấm móng là bệnh nhiễm trùng ở móng do nấm, chiếm tới 30% các chẩn đoán bệnh nấm nông, là một bệnh thường thấy ở những người có bàn tay, bàn chân thường xuyên ẩm ướt như người làm nghề bán nước giải khát, bán trái cây, đầu bếp, làm ruộng, đầu bếp, giặt quần áo, thợ uốn tóc gội đầu, rửa xe, chăn nuôi...
Nấm xâm nhập bắt đầu từ bờ tự do hoặc các bờ bên rồi đi vào mầm móng.

Nguyên nhân
Do nhiều loại nấm gây nên, có thể kể 3 nhóm chính:

- Nấm sợi tơ (dermatophytes): microsporum, trichophyton, epidermophyton;

- Nấm hạt men (candida);

- Nấm mốc: seopulariopsis, hendersonula...

Người bị bệnh này do tay chân thường xuyên bị ướt, tạo điều kiện cho vi nấm xâm nhập, phát triển và gây bệnh. Khi bị nhiễm nấm ở các móng, nó sẽ nhanh chóng lan rộng khi gặp điều kiện thuận lợi như môi trường thường xuyên ẩm ướt, lây từ ngón này sang ngón khác trên cùng bàn tay, bàn chân hay có thể lan sang bàn tay, bàn chân bên kia và có tiến triển bệnh kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm.


Triệu chứng lâm sàng
Ít khi cả mười móng tay hoặc mười móng chân đều bị bệnh.
Bề mặt móng bị sần sùi, phủ một lớp vảy mịn như cám, có lằn sọc dọc hay ngang. Chỗ bị tổn thương có màu hơi vàng, hay nâu đen. Móng trở nên giòn và dễ vỡ. Bên dưới móng cũng có thể bị tổn thương và móng bị tróc. Các móng có thể bốc mùi hôi khó chịu.
Có ba hình thái thương tổn móng:
+ Móng dày sừng: móng dày sừng, dưới móng có khối sừng mủn.
+ Móng teo: móng bị mủn, mòn dần từ bờ tự do đến chân móng.
+ Móng bình thường có màu trắng hoặc màu vàng.

Biểu hiện lâm sàng của từng loại nấm:

- Nhiễm ở phần bên và phần xa dưới móng là dạng phổ biến nhất gây loạn dưỡng móng, thường do vi nấm dermatophyte, đôi khi cũng nhiễm thêm nấm mốc thứ phát.

- Bề mặt móng có màu trắng là dạng đặc trưng của nhiễm dermatophyte do trichophyton mentagrophytes, thường không phổ biến.

- Ở phần gốc dưới móng, thường là thứ phát của viêm quanh móng mãn do nấm men candida. Viêm quanh móng do Candida thường gặp ở móng tay, ít gặp ở móng chân.

- Loạn dưỡng toàn móng là dạng sau cùng của loạn dưỡng móng khi toàn bộ móng bị tiêu hủy do hậu quả của ba dạng nhiễm trên.
Xét nghiệm: tìm vi nấm tại chỗ bằng cách soi trực tiếp và xem dưới kính hiển vi hoặc cấy bệnh phẩm trong môi trường nuôi cấy đặc biệt.

Ðiều trị
Thuốc bôi tại chỗ

Thuốc bôi chống nấm tại chỗ như

- Dung dịch màu sát trùng: castellani,

- Thuốc làm mỏng tổn thương nhằm làm tăng tính thấm của thuốc như: salicylic acid 5%;

- Thuốc kháng nấm:

+ Nhóm azole (ketoconazole, clotrimazole, miconazole, sulconazole,      oxiconazole, econazole).

+ Ciclopirox Olamine.

+ Amorolfine (loceryl).

+ Nhóm allylamine (natifine, terbinafine).

+ Nhóm các acid (salicylic, undecylenic).

+ Nhóm polyenes (nystatin).
Cách bôi: Rửa và cạo sạch chỗ tổn thương móng, hong khô móng, sau đó bôi thuốc lên bề mặt móng và quanh móng, mỗi ngày 2-3 lần, ít nhất trong 3 tháng.
Tuy nhiên, đa số những chế phẩm trên không có mấy hiệu quả trên nấm móng, ngay cả khi sử dụng phối hợp với rút móng, do hạn chế tính thấm của tá dược vào móng. Do đó, điều trị bằng đường uống hiện được lựa chọn nhiều hơn.


Thuốc uống

Sử dụng thuốc chống nấm toàn thân dựa trên 3 tiêu chuẩn: Phổ tác dụng, dược động học của thuốc, tác dụng lâm sàng.
Có thể dùng: Griséofulvine (chỉ có tác dụng trên nấm sợi tơ), Ketoconazole, Clotrimazole, Fluconazole, Itraconazole, Terbinafine,... (có tác dụng trên cả hai loại nấm). Có thể dùng thêm các thuốc kháng viêm, kháng histamine hay kháng sinh nếu có thêm các triệu chứng khác.
- Itraconazole:

+ nếu điều trị liên tục: 200mg/ngày, trong 6 – 12 tuần

+ nếu điều trị từng đợt: 400mg/ngày x tuần đầu/mỗi tháng x 2 – 3 tháng.

- Terbinafine: 250mg/ngày (6 – 12 tuần).

- Fluconazole: 150 – 400mg mỗi tuần, từ 6 – 12 tháng.

- Griseofulvin: 0,5 – 1g/ngày, (6 – 12 tháng).
Trong thời gian dùng thuốc kháng nấm, bệnh nhân cần hạn chế hay tốt nhất là tránh xa rượu, bia và những thức uống có chứa cồn khác vì sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt đối với gan.

Phòng bệnh
- Giữ bàn tay, bàn chân luôn luôn khô ráo, sạch sẽ bằng cách đeo găng tay cao su khi tiếp xúc với nước.
Tránh ngâm tay chân trong thời gian dài dưới nước. Sau khi làm việc trong môi trường nước, cần rửa sạch, lau khô bàn tay, bàn chân ngay
- Không dùng chung khăn với người khác.
- Thay tất mỗi ngày. Nên chọn những đôi tất có chất liệu thoáng và dễ hút ẩm. Mồ hôi bàn chân chính là điều kiện thuận lợi giúp cho các loại vi khuẩn và nấm sinh sôi nảy nở.
- Luôn cắt tỉa móng tay,móng chân cẩn thận, đều đặn, theo dáng các ngón tay ngón chân, không nên để quá dài. Không nên dùng chung các dụng cụ cắt móng tay chân, hạn chế cắt, sơn hay ngâm móng chân ở tiệm.
-Thường xuyên rửa bàn tay, bàn chân cẩn thận và lau khô ngay sau khi rửa. Tránh tiếp xúc nhiều với các loại xà phòng, hóa chất.
- Điều trị càng sớm càng tốt.
- Nếu bệnh cứ kéo dài dai dẳng dù đã được điều trị thì nên thay đổi công việc khác nếu có điều kiện.

 Một số hình ảnh Nấm móng

ThS.BS. Lương Trường Sơn.





Facebook
Email: dalieudongdieu@gmail.com
dalieuvietnam@gmail.com

Sơ Đồ Đường Đi

Tìm Kiếm

TỪ ĐIỂN

TÌM HIỂU DA CỦA BẠN

Liên Kết Website



BỘ Y TẾ
BỘ Y TẾ - CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
BV Da liễu trung ương Quy Hòa
BV Da liễu TP.HCM
BV Da liễu Trung Ương
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương

Quảng Cáo

Liên Hệ: 0913.407.557
Quảng cáo
Quảng cáo

FACEBOOK

Số Lượng Truy Cập