Mào gà sinh dục nữ: Bệnh thầm lặng - biến chứng khó lường
Theo kết quả công bố tại buổi hội thảo khoa học kỹ thuật da liễu các tỉnh thành phía nam, tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM vừa qua, trong các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh mào gà (HPV) chiếm 62%; đối tượng mắc bệnh rất đa dạng, gồm công nhân, học sinh, sinh viên, tài xế…
Đáng lo ngại, trong đó 76% số bệnh nhân từng tiếp xúc hơn một bạn tình trong vòng sáu tháng và 68% không sử dụng bao cao su. Bệnh do virút HPV và được xếp vào nhóm các bệnh lây truyền qua đường tình dục; ở nữ giới bệnh có liên quan đến ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo...
Bệnh sùi mào gà sinh dục, hay còn gọi mụn cơm sinh dục, có tên khoa học là Genital Warts hay Condylomata Acuminata, là bệnh được xếp vào nhóm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bệnh sùi mào gà được lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường sinh hoạt tình dục và lây truyền từ mẹ sang con trong lúc sinh, khi xâm nhập vào cơ thể qua tiếp xúc trực tiếp với da hay niêm mạc, có thời gian ủ bệnh từ 1 - 8 tháng, sau đó kích thích tăng sinh tế bào đáy dẫn đến sự hình thành những tổn thương ở biểu mô có hình dạng sùi lên như hoa súp lơ hay cái mào gà, gặp nhiều nhất ở người có bộ phận sinh dục thường ẩm ướt, viêm âm hộ - âm đạo, suy giảm miễn dịch hoặc đi kèm bệnh hoa liễu khác.
Về triệu chứng, mào gà sinh dục thường không biểu hiện gì đặc biệt, diễn tiến âm thầm, không đau, không ngứa, biểu hiện là sẩn sùi kích thước 1mm đến vài chục milimét, thậm chí đến hàng trăm milimét, bề mặt sần sùi, màu hồng hoặc đỏ, mềm, ẩm ướt, có thể có cuống, sờ vào không đau, nhưng dễ chảy máu. Vị trí thường gặp ở âm hộ - âm đạo, cổ tử cung, quanh lỗ tiểu, bẹn, tầng sinh môn, hậu môn. Với triệu chứng âm thầm, nên người bệnh khi nhận biết thường là bệnh đã lâu và kéo dài.
Mào gà sinh dục có liên quan mật thiết đến ung thư sinh dục, trong đó phổ biến là ung thư cổ tử cung và âm hộ. Về cơ chế gây ung thư của mào gà, các nhà khoa học thấy rằng, sau khi sáp nhập vào bộ gen tế bào ký chủ thì vùng gen E6, E7 điều khiển tổng hợp protein E6, E7; các protein này gắn kết và vô hiệu hóa chức năng của protein điều hòa tăng trưởng tế bào pRb dẫn đến sự phân chia tế bào liên tục một cách bất thường và hậu quả là phát sinh ung thư.
Về điều trị, giải pháp tốt cho điều trị hiện nay là đốt các sang thương bằng laser CO2. Việc loại các sang thương bằng điều trị bằng laser CO2 hay đốt điện chỉ loại bỏ được các nốt sùi chứ không tiêu diệt được virút, sau đó các sang thương cũng dễ phát triển trở lại, vì vậy vẫn phải tiếp tục theo dõi và điều trị cho đến khi hết hẳn. Cần nhớ rằng, do thời gian ủ bệnh của virút kéo dài đến 8 tháng, nên nhất thiết phải theo dõi đến hết thời gian ủ bệnh mới xác định bệnh khỏi hẳn, tức là sau 8 tháng. Ngoài phương pháp trên, đối với các tổn thương sùi mào gà ở âm hộ, âm đạo có thể chấm dung dịch trichloactic acid, chấm đến khi nốt sùi chuyển màu trắng là được, tuyệt đối không chấm dung dịch trichloactic acid lên những nốt sùi ở cổ tử cung hay trong lỗ hậu môn, vì không kiểm soát được mức độ tổn thương loét niêm mạc do thuốc. Có thể dùng dung dịch podophyllotoxine 20 - 25% bôi lên những nốt sùi nhỏ lẻ ở âm hộ, bôi thuốc để từ 1 - 3 giờ phải rửa sạch để tránh loét xuống phần da lành, tuần bôi 1 lần. Thuốc này cũng không được bôi vào các sang thương ở trong âm đạo, cổ tử cung và trong hậu môn. Đối với phụ nữ mang thai, trường hợp tổn thương nhiều ở âm hộ - âm đạo cũng rất nguy hiểm vì những đám sùi sẽ chảy máu khó cầm khi đẻ đường dưới hoặc khi thai nhi lọt qua âm đạo sẽ bị lây nhiễm.
Việc phòng bệnh vẫn là ưu tiên hàng đầu, tốt nhất là tiêm phòng vắc-xin ngay ở tuổi thanh thiếu niên, hoặc người lớn chưa có quan hệ tình dục, có nghĩa là cần tiêm trước khi có quan hệ tình dục đầu tiên. Hiện nay nước ta đã thực hiện được xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HPV và có vắc-xin tiêm phòng, hai loại vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung là gardasil của Công ty Merch - MSD của Mỹ và Cervaris của GlaxoSmithKline của Anh được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Vắc-xin được chỉ định cho bé gái và phụ nữ từ 9 - 26 tuổi, dùng với 3 liều trong 6 tháng, liều thứ 2 cách liều thứ nhất 2 tháng và liều thứ 3 cách liều thứ nhất là 6 tháng, sau chích tạo miễn dịch bảo vệ được 4 - 5 năm. Ngoài ra, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân như rửa sạch bộ phận sinh dục bằng nước và xà phòng thích hợp trước và sau khi quan hệ tình dục.
Việc dùng bao cao su có thể dự phòng được bệnh sùi mào gà và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Tuy nhiên, virút gây bệnh này cũng có thể xâm nhập vào vùng da và niêm mạc khác ngoài bộ phận sinh dục.
Phụ nữ mang thai bị sùi mào gà cần tích cực điều trị trước khi sinh con, vì virút này có thể từ đường sinh dục của mẹ xâm nhập vào đường hô hấp của trẻ sơ sinh, gây tử vong, bệnh sùi mào gà có thể gây cho thai phụ có thể liên quan đến nguy cơ ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, hậu môn; chảy máu khó cầm nguy hiểm đến tính mạng; nguy cơ phải mổ lấy thai; nguy cơ lây bệnh từ mẹ sang con trong khi sinh đẻ. Vì vậy, việc điều trị khỏi bệnh cho thai phụ trước khi sinh con là rất quan trọng, giúp thai phụ tránh được những mối nguy hiểm này. Bên cạnh việc chích ngừa thì khám phát hiện bệnh định kỳ hàng năm, bằng khám da liễu hay phụ khoa, ở đó sẽ được phủ lên bề mặt dung dịch acid acetic 3% sẽ dễ dàng chẩn đoán, đặc biệt là những sùi mào gà mới và sang thương còn nhỏ.
Bs.CKI. Trần Quốc Long
Theo Sức khỏe & đời sống