TƯ VẤN

 

NGỨA
 
Ngứa là một cảm giác khó chịu của da khiến người bị ngứa phải gãi để bớt ngứa. Ngứa có thể làm mất ngủ, gây trở ngại cho công việc, chưa kể, bị ngứa, ngồi đâu gãi đấy, trông cũng khó coi đôi khi cảm thấy mất lịch sự với xung quanh.
1.      Cơ chế gây ngứa
Cơ thể người có khoảng 2 mét vuông da, bất cứ chỗ nào cũng có thể ngứa. Nó xuất hiện do kích thích cục bộ, đôi khi do rối loạn thần kinh. Ngứa không trực tiếp gây chết người nhưng nhiều khi là biểu hiện của các loại bệnh tiềm ẩn.
Cơ chế ngứa mới được phát hiện vào năm 2001. Ngứa là do các tế bào da tăng tiết quá nhiều histamin. Khi chất histamin được tiết ra do một sự kích thích nào đó có thể bên trong hay bên ngoài, chất này sẽ tác động gây kích thích lên đầu mút thần  kinh da - những thụ thể đặc biệt - gây ngứa..
Ngứa sẽ tạo nên phản xạ gãi, gãi là một giải pháp tình thế làm giảm ngứa hoặc có thể hết ngứa nhưng rất nhiều trường hợp càng gãi càng ngứa (mề đay), có khi gãi làm chảy cả máu nhưng ngứa vẫn hoàn ngứa (chàm nhiễm khuẩn).
Ngứa là một phản ứng tự vệ của cơ thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, hầu như không di truyền và không lây.
2.      Phân loại ngứa
2.1. Theo quy mô
Ngứa cục bộ
Nguyên nhân thường dễ hiểu. Chẳng hạn bạn bị muỗi đốt, chỗ bị đốt sưng lên, ngứa. Trời lạnh, da tay bạn đã khô, bạn lại rửa tay bằng nước nóng và xà-bông ngày nhiều lần, lưng bàn tay và các ngón tay của bạn khô càng thêm khô, sần lên, nứt nẻ và ngứa ngáy. 

Ngứa toàn thân
Các bệnh ngoài da
Bệnh nổi mề đay: Rất hay xảy ra. Da nổi những mẩn đỏ, ngứa, xuất hiện độ vài tiếng rồi biến đi, để rồi lại mọc ở chỗ khác trên da. Bệnh gây bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. 
Ngứa do tuổi tác: Da càng khô càng dễ bị ngứa. Da tự tiết ra một chất nhờn đặc biệt gọi là “sebum”, có tác dụng giữ cho da khỏi bị khô. Càng lớn tuổi, sự tiết chất sebum càng giảm dần (nên da trông không còn tươi mát như lúc còn trẻ). Một số các vị lớn tuổi bị ngứa quanh năm, do da không còn tiết đủ chất sebum như trước. Ngứa sẽ nặng hơn vào mùa lạnh, khi có nhiều yếu tố khác nữa làm da thêm khô. 
 Ngứa mùa đông: Vào mùa đông, khí lạnh làm da khô. Da khô khiến ta dễ cảm thấy ngứa. Cái lạnh làm nhiều người thích tắm nước nóng hơn bình thường. Vào những ngày lạnh quá, sưởi được bật lên để mọi người trong nhà được ấm. Nước nóng, sưởi (củi, điện hay gas) làm da càng thêm khô và ngứa. Gãi mới đã ngứa. Có người lại dùng rượu, chanh, dầu xanh... chà xát trên da, hi vọng bớt ngứa. Những chỗ do bị gãi và chà xát, trở thành sần sùi, dộp lên. Những chỗ da bị dộp lên này lại càng ngứa hơn, làm người bị ngứa càng gãi nhiều hơn. Tất cả những yếu tố kể trên gộp lại làm da càng lúc càng thêm ngứa trong mùa đông. 
Bệnh cái ghẻ hay bệnh chấy, rận: Bệnh cái ghẻ, hay chấy, rận gây bởi những ký sinh trùng, lây từ người nọ sang người kia do sự chung đụng. Vì vậy, có thể vài người trong nhà cùng bị. Bệnh cái ghẻ hay gây ngứa ở những vùng như kẽ ngón tay, cổ tay, khuỷu tay, nách, vú, rốn, bộ phận sinh dục, ... Con cái ghẻ phải nhìn bằng kính hiển vi mới thấy, nhưng tạo những đường hầm đặc biệt nhìn thấy được bằng mắt thường ở những vùng bị ngứa nhiều. Người bị bệnh cái ghẻ ngứa nhiều hơn về buổi tối và ban đêm. Chấy, rận thấy được bằng mắt thường. Chấy lập nghiệp trên đầu, còn rận chạy lăng quăng trên người), hoặc định cư ở vùng háng . 
Bọ thú vật cắn: Nếu bạn có nuôi chó để trông nhà, hay mèo bốn chân để bắt chuột, và bất ngờ trong nhà có người bị ngứa, bạn nhớ cẩn thận xem chó hay mèo của bạn có làm bạn với mấy chú bọ con con (fleas) hay không. Chán máu chó, mèo, mấy chú bọ có thể đổi bữa, thử máu người xem sao, chích đốt những người trong gia đình bạn, gây ngứa ở chỗ da bị chích đốt, hoặc có thể gây cả phản ứng ngứa da toàn diện. 
Bệnh vảy nến: Một bệnh da nhiều người bị. Bệnh tạo những vết đỏ, dày trên da trông giống những vẩy nến. Các vết psoriasis hay hiện diện ở khuỷu tay và đầu gối, nhưng có thể mọc trên da nhiều nơi, cả ở trên đầu, trên móng tay và trong miệng.

Các bệnh lý phủ tạng bên trong
Suy thận kinh niên: Trong các bệnh nội thương, suy thận kinh niên là bệnh hay gây ngứa nhất. 90% những người suy thận nặng cần được lọc thận bị ngứa. Ngứa do suy thận nặng hơn về mùa hè. 
Bệnh gan: Bệnh gan có nhiều loại. Loại gây tắc nghẽn và ứ đọng mật (trong hay ngoài gan) cũng hay gây ngứa, chỉ đứng hàng thứ nhì sau bệnh suy thận kinh niên. 
Bệnh cường tuyến giáp trạng: 5% những người bị bệnh cường tuyến giáp trạng than ngứa ngáy. Ngứa bớt dần khi bệnh được chữa trị và kiểm soát. 
Bệnh ung thư Hogkin: Hogkin là bệnh ung thư gây nổi hạch ở nhiều nơi trong cơ thể, có thể chữa trị được nếu khám phá sớm. 15% những người bị bệnh ung thư Hogkin than ngứa. 
Bệnh quá nhiều chất Hemoglobin trong máu: Trong bệnh này, cơ thể sản xuất quá nhiều hồng cầu và chất Hemoglobin lưu thông trong máu, làm máu đặc hơn bình thường. 14-52% người có bệnh này bị ngứa, nhất là sau khi tắm với nước ấm hay nước nóng. 
Nhiều bệnh khác như tiểu đường, suy tuyến giáp trạng, thiếu máu do thiếu chất sắt, các bệnh ung thư khác ngoài bệnh Hogkin... có thể gây ngứa.
 Ngoài ra, các trạng thái căng thẳng tinh thần, và một số bệnh tâm thần cũng khiến nhiều người cảm thấy ngứa ngáy. Chứng ngứa này được gọi là ngứa tâm lý. Tuy nhiên, chỉ nên định bệnh là ngứa tâm lý, sau một thời gian tìm hiểu và theo dõi, để biết chắc là không có một tật bệnh nào khác quan trọng trong cơ thể gây ra
chứng ngứa.

      2.2. Theo nguyên nhân
Nguyên nhân ngoại sinh
Nguyên nhân bên ngoài cơ thể bao gồm các tác động như côn trùng, ký sinh trùng đốt (muỗi, ve, mò, chấy, rận, kiến, ghẻ...) hoặc do hóa chất trực tiếp tác động như xà phòng, dầu gội đầu, sữa rửa mặt, sữa tắm, các loại kem dưỡng da, son môi, phấn thoa mặt hoặc do bụi phấn, phấn một số loài hoa.
Người ta cũng liệt kê cả các tác nhân của một số vi sinh vật như vi khuẩn (gây nhiễm khuẩn ghẻ, nhiễm khuẩn eczema), vi rut herpes, thủy dậu, zona...
Dị ứng thuốc như: paracetamol, aspirin, kháng sinh,…
Nguyên nhân nội sinh
Một số bệnh làm cho xuất hiện triệu chứng ngứa như bệnh viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng (dị ứng thời tiết, dị ứng với một số hóa chất); bệnh nấm da (nấm da, nấm kẽ, lang ben, nấm tóc, rận mu...); bệnh sùi mào gà... 
Một số bệnh thuộc nội tạng cũng làm xuất hiện triệu chứng ngứa như bệnh nhiễm giun sán (giun đũa), bệnh vàng da do lượng sắc tố mật trong máu tăng cao, bệnh suy thận, bệnh đái tháo đường, viêm họng, mũi...
Nguyên nhân nội tạng còn do thức ăn, nước uống không phù hợp cũng gây ngứa như một số người sau khi uống bia, rượu là ngứa ngáy khó chịu.
Trong một số trường hợp vết thương ở da bắt đầu tái tạo tổ chức mới (lên da non) cũng gây ngứa. Trong trường hợp này người ta giải thích rằng do các đầu mút thần kinh bắt đầu hồi phục và bị kích thích sẽ gây ngứa.
Ngứa cũng xuất hiện tùy theo bệnh, có khi ngứa liên tục, ngứa khắp toàn thân (mề đay) nhưng có khi ngứa chỉ xuất hiện ban đêm như ngứa trong bệnh ghẻ hoặc ngứa chỉ xuất hiện tại vùng da bị kích thích như ngứa do muỗi đốt, kiến lửa đốt.
Ngứa đôi khi làm cho người bệnh phát chán, gây cáu gắt, khó chịu như ngứa do eczema (chàm), mề đay, kiến lửa đốt...
3.      Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ tìm cách xác định nguyên nhân gây ngứa để loại bỏ nó. Thường thì nguyên nhân có thể thấy được một cách rõ ràng, chẳng hạn như vết cắn của côn trùng, hay chất độc. Nếu ngứa kéo dài vài ngày hay là xuất hiện và biến mất một cách thường xuyên mà không có nguyên nhân rõ ràng thì cần phải được khám và làm các xét nghiệm. Nếu nghi ngờ dị ứng, cần phải làm test da. Nếu nghi ngờ bệnh hệ thống, cần phải làm xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng gan, chức năng thận, mức đường huyết. Số lượng bạch cầu ái toan (một loại bạch cầu) cũng có thể được kiểm tra do nếu số lượng của chúng tăng có thể gợi ý đến một tình trạng dị ứng.
Đôi khi bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bệnh nhân ngưng một hoặc một vài loại thuốc để xem có bớt ngứa đi hay không. Sinh thiết, lấy một mẫu da để quan sát dưới kính hiển vi, cũng có thể giúp tìm ra nguyên nhân.
4.      Phòng và điều trị Ngứa
Phòng là loại trừ trước những nguyên nhân gây ngứa: diệt côn trùng, ăn ở sạch sẽ... Không nên tiếp xúc nhiều với thú vật nuôi. Trong những chuyến du lịch nên mang theo thuốc bôi tránh côn trùng.
Quần áo, nhất là quần áo lót, bằng sợi tổng hợp là một nguy cơ tiềm tàng, tránh dùng nếu có thể. Giặt thật sạch khỏi các chất tẩy rửa và phơi nơi thoáng mát đầy đủ ánh nắng mặt trời.
Muốn đỡ ngứa do thời tiết nóng và khô, có thể chườm nước đá và dùng máy làm ẩm vào ban đêm.
Cố gắng không ăn uống những thứ không thích ứng với cơ địa của mình để khỏi bị dị ứng. Tránh các đồ uống làm giãn mạch như cà phê, rượu, nước nóng...
Khi bị ngứa không nên gãi nhất là gãi làm xây xước da vì như vậy rất dễ nhiễm khuẩn
Cho dù bị ngứa bởi bất kỳ nguyên nhân gì cũng nên tắm nhanh và tắm với nước lạnh hoặc ấm với rất ít hoặc không cần xà bông. Lau người nhẹ nhàng chứ không nên chà xát mạnh. Nhiều người bị ngứa có thể cảm thấy thích thú với một số loại kem dưỡng ẩm bôi ngay sau khi tắm. Những loại kem này nên không có mùi và không màu do những chất thêm vào để tạo mùi hoặc màu có thể gây kích ứng da và cuối cùng là gây ngứa. Ngón tay nên được cắt ngắn, đặc biệt là ở trẻ em, để làm giảm nguy cơ trầy da do gãi. Bao phủ vùng da bị ảnh hưởng bởi những chất dịu, chẳng hạn như bạc hà, khuynh diệp, calamin.
Uống thuốc kháng histamine sẽ có hiệu quả tốt. Một số loại kháng histamine như hydroxyzine (ATARAX, VISTARIL), và diphenhydramine thường gây buồn ngủ và khô miệng do đó thường được dùng vào giờ ngủ. Những loại kháng histamine khác như loratadine (CLARITIN) và cetirizine (ZYRTEC) thường không gây buồn ngủ. Thông thường những loại kem có chứa kháng histamine như diphenhydramine (BENADRYL, NYTOL, SOMINEX) không nên dùng vì chính bản thân chúng cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng.
Kem có chứa corticoid có thể làm giảm viêm và kiểm soát ngứa do đó có thể dùng nếu như ngứa giới hạn ở trong một khu vực nhỏ. Ngứa bởi một số lý do như do nhiễm độc cây thường xuân, có thể cần bôi kem có corticoid mạnh. Tuy nhiên chỉ nên dùng corticoid nhẹ (như 1% hydrocortisone) khi bôi lên mặt do corticoid có tác dụng mạnh sẽ làm mỏng làn da nhạy cảm ở khu vực này. Ngoài ra, kem có chứa corticoid với dược tính mạnh được bôi ở những vùng rộng lớn trong một thời gian dài có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, do thuốc có thể thẩm thấu để đi vào máu. Đôi khi có thể dùng corticoid đường uống nếu bị ngứa ở một khu vực lớn
Nếu là bệnh ngoài da như ghẻ, hắc lào, lang ben, nấm da, nấm tóc, viêm da dị ứng,… hãy dùng các thuốc chữa bệnh ngoài da đặc trị thì sẽ giảm ngứa, chống trầy xước, giảm bội nhiễm nhưng cần gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.
Những người mắc các bệnh mà gây ngứa như: gan, thận, đái tháo đường... thì nên đi khám bệnh để được điều trị dứt điểm và có sự tư vấn tường tận của thầy thuốc cho người bệnh thì bệnh càng chóng lành và hoặc hạn chế sự tái phát.

XEM THÊM:
BS. Lương Trường Sơn
 

 





Facebook
Email: dalieudongdieu@gmail.com
dalieuvietnam@gmail.com

Sơ Đồ Đường Đi

Tìm Kiếm

TỪ ĐIỂN

TÌM HIỂU DA CỦA BẠN

Liên Kết Website



BỘ Y TẾ
BỘ Y TẾ - CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
BV Da liễu trung ương Quy Hòa
BV Da liễu TP.HCM
BV Da liễu Trung Ương
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương

Quảng Cáo

Liên Hệ: 0913.407.557
Quảng cáo
Quảng cáo

FACEBOOK

Số Lượng Truy Cập