TƯ VẤN

BỆNH DA Ở PHỤ NỮ CÓ THAI

 

Trước đây khi chưa có giải phẫu bệnh và các xét nghiệm khác, người ta thường nhầm lẫn các bệnh da ở phụ nữ có thai và chúng tồn tại như là một nhóm bệnh gối lên nhau và bệnh được biết đến qua các trường hợp báo cáo. Nhưng ngày nay khoa học đã giải thích rõ ràng hơn về nhóm bệnh này.

Phụ nữ có thai có những thay đổi về miễn dịch, chuyển hoá, nội tiết và mạch máu, những thay đổi này sẽ dẫn đến những thay đổi biểu hiện ở da, phần phụ da và các bộ phận khác.

Bệnh da ở phụ nữ có thai (“Dermatosis of pregnancy”), nhóm từ này dùng để chỉ các biểu hiện da đặc trưng chỉ có trong  thời kỳ có thai và ngay sau đẻ, bao gồm:

Những thay đổi sinh lý ở phụ nữ có thai.

Những bệnh da chỉ xuất hiện ở  thời kỳ có thai

Những bệnh da đặc biệt ở  thời kỳ có thai

Những bệnh da vượng lên ở  thời kỳ có thai

I. Những thay đổi sinh lý ở phụ nữ có thai

1. Tăng sắc tố da

- Là biểu hiện phổ biến (90% phụ nữ có thai), xuất hiện vao 3 tháng giữa của thai kỳ, do tăng estrogen, progesterone và hormone kích thích tế bào melanin.

- Tăng sắc tố da tập trung ở núm vú, quầng vu, nách, mặt trong đùi, sinh dục và đường giữa bụng. Biểu hiện này sẽ giảm đi sau khi sinh.

2. Rám má

Khoảng 70% phụ nữ có thai có rám má, xuất hiện vào 3 tháng giữa của thai kỳ. Biểu hiện này cũng được thấy ở những người uống thuốc tránh thai. Xạm da phân bố ở giữa mặt, hai bên má và vùng hai bên hàm. 

Melanin tăng sinh ở thượng bì 70%, ở trung bì 10-15% và cả hai là 20%. Rám má sẽ tăng lên nếu phơi nhiễm tia UVB. Trong hầu hết các trường hợp rám má ở phụ nữ có thai sẽ giảm dần sau sinh.

3. Những thay đổi mạch máu

Biểu hiện như: ban đỏ lòng bàn tay, nốt nhện đỏ, nốt ruồi son, dãn tĩnh mạch chân (40%), phù mặt …

Các mạch máu phồng lên, tăng sinh, không ổn định và giảm dần sau sinh.

4. Ngứa thai nghén (pruritus gravidarum)

Xuất hiện thường xuyên ở phụ nữ có thai, do nhiều yếu tố gây nên, có thể là do rối loạn chức năng gan sinh ra bởi estrogen. Thường biểu hiện sớm ở ba tháng đầu của thai kỳ.

5. Rậm lông

Thường biểu hiện ở mặt, ít ở tay, chân và lưng Biểu hiện này sẽ mất dần đi khoảng 6 tháng sau sinh.  Nếu biểu hiện rậm lông nặng nên loại trừ những buớu tiết androgen như u buồng trứng, đa kén buồng trứng, u lutein…

6. Thay đổi móng

Móng có thể có biểu hiện như: có những đường ngang, dễ vỡ, bong móng, tăng sừng dưới móng. Sinh bệnh học thay đổi móng thì chưa rõ. Đây là biểu hiện ít phổ biến.

7. Rạn da

Xuat hiện khoảng 90% ở phụ nữ có thai vào tháng thứ 6-7 của thai kỳ. Là những dải dọc teo da màu tím hoặc màu hồng ở bụng, vú và đùi. Chúng có thể mờ dần đi sau sinh hoặc có thể tồn tại dai dẳng.

Biểu hiện này là do tăng hoạt động của adrenocorticoid, estrogen và các yếu tố sinh lý khác (bụng to ra do thai…)

8. Tăng hoạt động của tuyến nội tiết

Bieu hiện tăng Miliaria, tổ đỉa, chàm , có thể liên quan với tăng hoạt động của tuyến giáp.

9. Tăng hoạt động của tuyến bã

- Có thể gây bung phát bệnh trứng cá

- Các hạt Mongomery vùng vú sẽ phát triển to lên.

10. Giảm hoạt động của tuyến ngoại tiết:

Có biểu hiện cải thiện các trạng thái lâm sàng của bệnh tăng sinh tuyến ngoại tiết trước đó như bệnh Fox-fordyce, hidradenitis suppurativa. Các bệnh này sẽ bùng phát lại sau sinh.

II. Những bệnh da chỉ xuất hiện trong thời kỳ có thai

1. Vảy nến thể mủ ở phụ nữ có thai - chốc dạng herpes (Impetigo herpetiformic)

Đây là bệnh rất hiếm gặp, thương tổn giống vảy nến thể mủ nhưng bệnh nhân hoàn toàn không có tiền sử bệnh vảy nến. Phổ biến nhất xuất hiện vào khoảng 3 tháng cuối của thai kỳ. Bệnh thường liên quan đến hạ calci máu và giảm chức năng của tuyến cận giáp.

Lâm sàng

- Thương tổn là những đám đỏ trên có mụn mủ, có khuynh hướng lan rộng ra vùng ngoại vi, phân bố ở  nếp gấp, rải rác ở mặt, tay và chân.

- Các triệu chứng toàn thân đi kèm là sốt, mê sảng, nôn ói, co giật (thứ phát do hạ calci máu).

- Khi thương tổn lành để lại các đám tăng sắc to.

Giải phẫu bệnh: Chỉ ra mụn mủ dạng xốp của Kogoj, tập trung nhiều bạch cầu đa nhân, xốp bào ở thượng bì.

Xét nghiệm:  Tốc độ lắng máu tăng, hạ calci máu.

Nuôi cấy mủ và máu: âm tính

Điều trị: Prednisolone 15-30mg/ ngày.

- Kháng sinh nếu có bằng chứng nhiễm trùng

- Cân bằng nước điện giải, bồi phụ calci máu

Tiên lượng

- Có thể gây tử vong nếu không được điều trị.

- Gây đẻ non, tử vong trẻ sơ sinh

- Bệnh giảm dần sau sinh nhưng sẽ tái phát khi có thai trở lại và lần sau bệnh thường  nặng hơn lần trước.

2. Bệnh tăng cholesterol trong gan ở phụ nữ có thai:

Lâm sàng

- Xuất hiện ở ba tháng cuối của thai kỳ (70% trường hợp)

- Biểu hiện ngứa nặng không giống ngứa sinh lý (biểu hiện sớm ở ba tháng đầu của thai kỳ). Ngứa toàn thân nên cào gãi nhiều, hiếm khi vàng da, trong những trường hợp nặng thì giảm cân và thiếu hụt vitamin K.

Giải phẫu bệnh

- Ở da không đặc hiệu

- Ở gan: thay đổi điển hình trong trường hợp nặng là: dãn đường mật trong gan, nhu mô gan nhuộm sắc tố mật và viêm ít.

Xét nghiệm: Chức năng gan bất thường, tăng acid mật trong máu chủ yếu là cholic acid

Điều trị

- Bệnh nhẹ sẽ đáp ứng với thuốc chống ngứa và dịu da

- Bệnh nặng: dùng cholestyramine hoặc ursodeoxy-cholestyramine (UDCA)

- Điều trị khac có hiệu quả như: chiếu UVB, bôi dầu primrose, tiêm tĩnh mạch S-adenosyl-L-methionine (SAM) và epomediol.

Tiên lượng

- Tăng tỉ lệ chết, đẻ non.

- Thiếu hụt vitamin K sẽ dẫn đến xuất huyết não và thận trong những trường hợp nặng.

- Bệnh giảm sau sinh nhưng tái phát ở lần mang thai sau khoảng 40-50% trường hợp

III. Những bệnh da đặc biệt trong thời kỳ có thai

1. Mày đay dạng mảng, sẩn, ngứa ở phụ nữ có thai (pruritic urticarial papules and plaque: PUPP)

- Là bệnh da ở phụ nữ có thai phổ biến nhất, tỉ lệ 1/160 đến 1/300 phụ nữ có thai.

- Xuất hiện vào khoảng tuần 35 của thai kỳ hoặc sau sinh.

- Hiếm khi tái phát ở lần có thai sau.

Lâm sàng: ngứa kèm theo rạn da ở bụng phân bố rải rác vùng xung quanh rốn, sau đó lan lên vú và xuống đùi. Rải rác ở mặt, lòng bàn tay, bàn chân.

Thương tổn là mảng - sẩn đỏ, mụn nước, ban xuất huyết và đôi khi thương tổn giống như hồng ban đa dạng

Huyết thanh và miễn dịch huỳnh quang về bệnh tự miễn âm tính

Giải phẫu bệnh: xốp bào ở thượng bì, xâm nhập viêm mãn tính ở trung bì nông và quanh các mạch máu

Điều trị:

- Thuốc bôi dịu da chống ngứa

- Kháng histamine

- Chiếu UVB

- Corticosteroid đường toàn thân ngắn ngày được chỉ định trong trường hợp nặng

2. Pemphigoid ở phụ nữ có thai

- Là bệnh bọng nước tự miễn, nằm trong nhóm bệnh bọng nước pemphigoid. Trong quá khứ bệnh được xem như là bệnh durhing brocq hoặc là hồng ban đa dạng. Bệnh hiếm gặp khoảng 1/60.000 phụ nữ có thai. Thường xuất hiện vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ hoặc là sau sinh.

- Triệu chứng báo trước là mày đay ngứa, tiến triển thành dạng đồng tiền, dạng đa vòng, mụn nước và bọng nước trên nền mày đay. Vị trí quanh rốn 87%, rãi rác ở mặt, niêm mạc, lòng bàn tay, lòng bàn chân.

- Bệnh nặng lên sau sinh. Thường tái phát ở lần thai sau và bệnh nặng hơn lần trước.

Giải phẫu bệnh: Bọng nước dưới thượng bì, hoại tử tế bào đáy, xâm nhập bạch cầu đa nhân ái toan trong bọng nước.

Miễn dịch huỳnh quang: Lắng đọng IgG và C3 ở màng cơ bản

Điều trị: Hầu hết các trường hợp đòi hỏi corticoid toàn thân 0.5mg/kg, nên tăng lieu sau sinh vì sau sinh bệnh thường vượng lên.

Tiên lượng : Trẻ đẻ thiếu cân, đẻ non.

3. Sẩn ngứa ở phụ nữ có thai:

- Bệnh được mô tả bởi Besnier vào năm 1904, tỉ lệ khoảng 1/300 phụ nữ có thai.

- Bệnh thường gặp ở 3 tháng cuối của thai kỳ.

4. Viêm nang lông sẩn ngứa:

- Bệnh được mô tả bởi Zoberman và Farmer năm 1981.

- Thương tổn là mày đay và sẩn đỏ nang lông ngứa tập trung chủ yếu ở tay, chân, bụng.

- Bệnh xuất hiện vào 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ, giảm dần sau sinh 2-3 tuần.

Giải phẫu bệnh: Xâm nhập viêm hổn hợp quanh nang lông, phù trung bì nông và có xốp bào.

Nhuộm gram thương tổn : âm tính

Tiên lượng: mẹ và con bình thường

IV. Những bệnh da vượng lên ở thời kỳ có thai:

1. Các bệnh có rối loạn viêm:

- Viêm da cơ địa

- Vảy nến

- Trứng cá

- Mày đay

- Liken phẳng

- Hồng ban nút

2. Các bệnh nhiễm trùng:

- Nhiễm nấm: thường gặp  bệnh candida sinh dục

- Nhiễm virus: HSV, HZV, HIV, sùi mào gà.

- Nhiễm khuẩn: chốc, bệnh phong

3. Các bệnh tự miễn:

- Lupus ban đỏ

- Xơ cứng bì toàn thể

- Viêm bì cơ

- Pemphigus

4. Bệnh về chuyển hoá:

- Porphyria cutaneous tarda

- Viêm da đầu chi ruột

 ThS. BS. Nguyễn Thị Thời Loan

 

 





Facebook
Email: dalieudongdieu@gmail.com
dalieuvietnam@gmail.com

Sơ Đồ Đường Đi

Tìm Kiếm

TỪ ĐIỂN

TÌM HIỂU DA CỦA BẠN

Liên Kết Website



BỘ Y TẾ
BỘ Y TẾ - CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
BV Da liễu trung ương Quy Hòa
BV Da liễu TP.HCM
BV Da liễu Trung Ương
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương

Quảng Cáo

Liên Hệ: 0913.407.557
Quảng cáo
Quảng cáo

FACEBOOK

Số Lượng Truy Cập