BỆNH DA LIỄU MÙA THU
Mùa thu, thời tiết thay đổi bất thường, lúc nóng lúc lạnh khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể khó thay đổi kịp, nhất là trẻ nhỏ. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại virus tấn công sức khỏe của chúng ta.
Viêm da do côn trùng
Theo các bác sĩ da liễu, bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng đốt có thể gây thành dịch thường bùng phát vào các tháng 9,10 và 11 hàng năm. Đây là các tháng hay có mưa, thời tiết nóng ẩm.... côn trùng không có nơi trú ẩn, nên thường trú ngụ trong nhà dân rồi gây bệnh, có thể còn nguy hiểm đến tính mạng. Phần lớn ngườibệnh đến khám với biểu hiện rát bỏng, ban đỏ, phù nề, mụn mủ, tổn thương theo hình dải. Có không ít người, nhất là trẻ em bị sốc phản vệ, tay chân lạnh, mi mắt phù nề, mạch và huyết áp tụt... rất nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do côn trùng đốt. Thống kê tình hìnhbệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng cho thấy, bệnh thường bùng phát mạnh vào các tháng 8, 9, 10, 11. Đa số bệnh nhân là người làm việc dưới ánh đèn, công tác văn phòng, học sinh.
60% bệnh nhân phát bệnh đầu tiên vào buổi sáng. Đặc điểm lâm sàng thường gặp là 80% có tổn thương ở mặt, 100% biểu hiện bằng vết đỏ, nền hơi cộm theo chiều vệt tay dài 1,5cm, rộng 3-10 mm, trên đó có mụn nước ở giữa, có vùng hơi lõm hình tròn hoặc bầu dục, 100% có cảm giác rát bỏng tại chỗ.
Sau khi bị côn trùng tấn công, hoặc dính những chất tiết Pederin của chúng, nạn nhân thường có biểu hiện lâm sàng giống nhau, với những tổn thương thành dải đỏ, phù. Nhiều trường hợp có mụn nước, mụn mủ ở những vùng da hở.
Ban đầu nạn nhân thấy hơi ngứa, da căng, đỏ một vùng, 6 -12 tiếng sau, vùng da này sưng nề, rồi thành phỏng nước, mủ. Nạn nhân có thể ngấy sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn... Có những người tổn thương gần mắt, khiến 2 mắt sưng mọng, bẹn nổi hạch, khó đi lại...
Phòng bệnh này, mọi người cần chú ý, khi làm việc dưới ánh đèn, tránh quệt tay khi có cảm giác côn trùng rơi vào cổ, mặt. Buối tối khi tắm, rửa, cần chú ý giũ mạnh khăn mặt trước, rồi mới dùng.
Vào những ngày mưa to ngập nước, mọi người nên mua sẵn bình thuốc xịt diệt côn trùng. Nếu thấy vùng da rát bỏng, đỏ, nổi mẩn... nên rửa ngay bằng nước muối loãng hay xà phòng... nhằm ngăn không cho nổi phỏng nước, phỏng mủ.
Dị ứng da
Biểu hiện của dị ứng da rất đa dạng có thể là mẩn đỏ, ngứa ngáy, phát ban, chảy nước, nổi mề đay, sưng, phù nề... Khi có những dấu hiệu bất thường này trên da cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám thay vì tự điều trị hoặc làm theo những lời khuyên không có cơ sở khoa học sẽ gây nên những hệ lụy khôn lường.
Để giảm thiểu sự trầm trọng của dị ứng bạn nên đặc biệt chú ý đến không khí trong nhà sao cho thông thoáng, sạch sẽ bởi mùa thu thường có nhiều loại côn trùng xuất hiện hơn.
Nhiệt miệng
Nguyên nhân gây nhiệt miệng ngoài do khí hậu khô hanh còn do miệng bị tổn thương, thiếu dinh dưỡng, thay đổi nội tiết tố gây ra. Hàng ngày luôn giữ vệ sinh răng miệng, súc miệng bằng nước muối vào sáng sớm, kiêng rượu, thuốc lá, sinh hoạt điều độ và ngủ đủ giấc… là những biện pháp hữu hiệu tránh nhiệt miệng.
Ngoài ra, nhiệt miệng còn có thể liên quan tới tố chất cơ thể, là tín hiệu suy nhược cơ thể. Vì vậy, người bệnh phải tăng cường tập thể dục, cải thiện thể chất để giảm nguy cơ bị nhiệt.