TÌM HIỂU DA CỦA BẠN

CẤU TRÚC DA BÌNH THƯỜNG
 
Da là bộ phận vô cùng quan trọng, giống như một tấm áo tự nhiên bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân có hại bên ngoài và có chức năng bài tiết, điều hoà nhiệt độ cơ thể. 
Da chia làm hai loại chính là da trơn (không có lông, không có tuyến bã như da lòng bàn tay, lòng bàn chân) và da có lông bao phủ như hầu hết da trên cơ thể. 
Cấu trúc da chia làm 3 phần chính là thượng bì, trung bì và hạ bì.
Về mô phôi học: da phát triển từ hai yếu tố phôi nằm cạnh nhau là mầm thượng bì nằm ở vùng ngoài của phôi vị và mầm trung bì được đưa tới tiếp xúc với mặt trong của thượng bì trong quá trình hình thành phôi dạ. Mầm trung bì không chỉ hình thành trung bì mà còn cần thiết để hình thành các phần phụ như lông, tóc. 
Vì mang bản chất biểu mô nên biểu bì có các đặc điểm mô học của biểu mô: 
- Có tính phân cực: Thể hiện ở trong mỗi tế bào và ở trong chỉnh thể nhiều tế bào. Ở tế bào, tính phân cực thể hiện ở mỗi tế bào đều có mặt đỉnh, mặt bên và mặt đáy với những đặc điểm riêng giúp chúng ta có thể nhận ra chúng dưới kính hiển vi quang học. Có thể nói, qua kính hiển vi có thể xác định tế bào biểu mô. Ở chỉnh thể nhiều tế bào (cả biểu bì), tính phân cực của biểu mô thể hiện ở sự sắp xếp có hướng ngoài-trong và sự trưởng thành, sinh sản của các lớp tế bào cũng diễn ra theo một hướng qui định. "Tẩy trắng da" là can thiệp đến qui luật tự nhiên này.
- Tính sinh sản thay thế mạnh: Thể hiện ở chỗ lớp tế bào đáy (tế bào sinh sản) phân bào, cho ra các tế bào mới thay thế lớp tế bào ở phía trên bị thoái triển dần đi, hình thành các lớp của biểu bì. Hầu hết đời sống của các tế bào trong cơ thể người đều có hạn, biểu bì cũng vậy, phải chết đi và được thay thế. Ðời sống có hạn này kéo dài bình thường hay bị rút ngắn là tùy thuộc vào điều kiện môi trường sống và sự can thiệp của chúng ta. Thí dụ: bạch cầu có đời sống trung bình trong máu ngoại vi là 5 ngày ở điều kiện bình thường, sau thực bào bạch cầu chỉ sống khoảng 2-3 ngày; Ðiều này giải thích sự sinh mủ sau nhiễm trùng. Tinh trùng trong đường sinh dục nam sống khoảng 3 ngày, trong đường sinh dục nữ sống khoảng 1 ngày; điều này giải thích cơ sở ứng dụng của việc thắt ống dẫn tinh và phương pháp ngừa thai tự nhiên. Với biểu bì, đời sống trung bình trong điều kiện bình thường là 3 tuần lễ, nghĩa là sau thời gian này da sẽ có một lớp biểu bì mới. Trong điều kiện bất thường, sự thay thế biểu bì diễn ra nhanh hơn và không hoàn chỉnh. "Tẩy trắng da" là can thiệp rút ngắn đời sống của da, làm tổn thương biểu bì dẫn đến sự lành tổn thương biểu bì trong điều kiện bất thường. 
- Không có mạch máu: Biểu bì, biểu mô nói chung được nuôi dưỡng nhờ sự thẩm thấu chất sinh dưỡng từ mô liên kết kế cận. Sự sống, sự biểu hiện của biểu bì tùy thuộc vào tình trạng của mô liên kết bên dưới (bì). Các bệnh lý của da có liên quan đến tổn thương của biểu bì và bì. Dưới kính hiển vi, những trường hợp biểu bì teo đét, mỏng thường đi đôi với xơ hóa, thiểu mạch dưới của bì ở người có bệnh da. 
Vì mang bản chất mô liên kết nên bì có các đặc điểm mô học của mô liên kết:
- Có nhiều mạch máu để nuôi bản thân và các mô khác: Ðây chính là cơ sở cho sự dinh dưỡng của biểu bì. Ở da những người có biểu bì bị tổn thương thì bì cũng bị bất thường khi quan sát dưới kính hiển vi quang học. Mặt khác, đây cũng là một yếu tố tạo nên màu sắc của da. Những tình huống lo lắng, căng thẳng, dinh dưỡng kém có liên quan đến tuần hoàn của da sẽ làm người bệnh có một làn da với biểu hiện bên ngoài không bình thường.
- Giữ cho cơ thể có hình dạng nhất định, giữ vai trò trao đổi chất, bảo vệ, tổng hợp các chất có hoạt tính sinh học: Bệnh nhân bị bệnh nội tiết, da bị xơ cứng chính là có liên quan mật thiết với sự xơ cứng của lớp bì. Xem da có thể dự đoán bệnh, tình trạng sức khỏe của con người. Da người cao tuổi có biểu hiện các nốt sắc tố (da đồi mồi), nhăn nheo, lỏng lẻo kém đàn hồi.
- Có khoảng gian bào rộng chứa chất căn bản, và sợi liên kết vùi trong chất gian bào đó là nhiều loại tế bào khác nhau: Chính vì vậy, một số bệnh có triệu chứng là các biểu hiện của da. Với cái nhìn chỉnh thể thì da là biểu hiện bề mặt của mọi hoạt động bên trong cơ thể người. Màu da người phụ thuộc vào một số yếu tố, trước hết và quan trọng nhất là hàm lượng melanin và caroten, số lượng mạch máu ở chân bì và màu của máu trong các mao mạch đó. Bạch tạng là bệnh di truyền với biểu bì không có melanin, mặc dù số lượng tế bào sắc tố bình thường và trong tế bào sắc tố vẫn có các hạt bọc melanin, nguyên nhân chính là không có hoặc bất hoạt men tyronasinase. Da trắng trong tình huống này là bệnh lý. 
Tất cả các yếu tố kể trên sẽ không thay đổi được khi thực hiện "tẩy trắng da" bằng các hóa chất, mà ngược lại còn làm hư hỏng cấu trúc, thay đổi các đặc điểm mô học của da. 
 
1. LỚP THƯỢNG BÌ (Biểu bì)
 
1.1. Cấu tạo đại thể
Được phân chia thành các lớp tế bào từ dưới lên trên là: 
1.1.1.Lớp tế bào cơ bản: là lớp sâu nhất của thượng bì, có nhiệm vụ sản xuất các tế bào mới thay thế tế bào đã hủy hoại. 
+ Màng cơ bản là màng ngăn cách giữa trung bì và thượng bì. 
+ Lớp tế bào cơ bản: gồm những tế bào hình trụ, nhân có trục dài, thẳng đứng. Giữa các tế bào hình trụ, xen kẻ những tế bào đa giác có tua đó là những tế bào hắc tố, tiết ra chất melanin để bảo vệ da chống tia cực tím của ánh nắng mặt trời.
1.1.2.Lớp tế bào gai: hình đa giác, xếp thành nhiều lớp, từ 6 đến 20 lớp, càng về phía ngoài các tế bào dẹt dần. Các tế bào này liên kết với nhau bằng những cầu nối. Nhân tế bào to và rất hoạt động. Lớp Malpighi (còn gọi là lớp gai), bao gồm nhiều hàng tế bào đa diện, liên kết nhau bằng hình thức "khớp mộng" cho hình ảnh các "gai" dưới kính hiển vi quang học ở độ phóng đại lớn, đây là những tế bào trưởng thành của biểu bì. 
1.1.3.Lớp hạt: là những tế bào dẹt, nhân sáng có khi dày khi mõng. Lớp hạt bao gồm vài hàng tế bào mà bên trong bào tương có nhiều hạt keratohyalin tiền sừng, thể hiện hình ảnh đã có sự thoái triển của các tế bào biểu mô. 
1.1.4.Lớp sừng: là lớp ngoài cùng của da, có bề dày khoảng 0,1mm, dày nhất là ở lòng bàn tay, lòng bàn chân từ 0,8 – 1,4mm, mỏng nhất là ở mi mắt, 50micron. Lớp sừng, không còn cấu trúc tế bào, có bản chất là mô chết đã được sừng hóa (lớp sừng còn được phân ra lớp phụ là lớp bong vảy thể hiện sự bong tróc có tính chu kỳ của biểu bì). Lớp sừng có thể dày hay mõng tuỳ theo vùng của cơ thể, chỗ nào hoạt động cọ sát nhiều thì dày, cọ sát ít thì mỏng. Tế bào sừng dẹt lại, nhân bị hư biến, các lớp ngoài dễ bong ra. 
1.1.5.Lớp bóng (stratum lucidum): còn gọi là lớp sáng chỉ có ở da dày lòng bàn tay, lòng bàn chân, có vân, không có lông và tuyến bã) thể hiện các tế bào biểu mô đã chết. 
1.2.Cấu tạo vi thể Lớp thượng bì
Là lớp ngoài cùng của da, gồm có 4 lớp chính: tính từ ngoài vào trong là lớp tế bào sừng, lớp hạt, lớp gai, lớp đáy (lớp tế bào mầm). Thượng bì dày khoảng 0.4- 1.5mm tuỳ theo vị trí trên cơ thể (dày nhất ở lòng bàn tay, bàn chân, mỏng nhất ở vùng sinh dục) Các tế bào sừng ở lớp đáy phân chia, biệt hoá và di chuyển dần ra lớp sừng ngoài cùng rồi bong ra. Quá trình này gọi là quá trình sừng hoá, diễn ra tại lớp thượng bì giúp cho da liên tục được thay mới và đảm bảo chức năng bảo vệ cơ thể. Quá trình sừng hoá diễn ra liên tục, đầu tiên các tế bào sừng phát triển to lên, dẹt dần lại, xuất hiện các cơ quan mới và thay đổi cấu trúc, các cơ quan cũ được thay thế, các thành phần protein mới giúp quá trình sừng hoá được tổng hợp, các thành phần của màng tế bào, kháng nguyên, thụ cảm thể…cũng thay đổi và cuối cùng thì nhân và các bộ phận của tế bào bị thoái hoá, tế bào mất nước và trở thành tế bào sừng hoàn toàn. Quá trình này chịu sự ảnh hưởng của cả yếu tố bên ngoài môi trường và nội tại (gen, các yếu tố toàn thân). Lớp thượng bì gồm chủ yếu là tế bào sừng chiếm tới 95%, ngoài ra còn có tế bào sắc tố, tế bào merkel, và tế bào langerhans. Các tế bào này di chuyển tới thượng bì trong quá trình phôi thai trừ tế bào merkel được hình thành tại chỗ. Tế bào Lympho hiếm thấy ở thượng bì. 
1.2.1.Lớp đáy
Còn gọi là lớp mầm, gồm một lớp tế bào hình trụ nằm gắn với màng đáy, có khả năng phân bào và phát triển thay thế lớp tế bào ở trên trong quá trình sừng hoá.Ở lớp đáy có hai loại tế bào cùng nằm trên màng đáy là tế bào đáy (tế bào sinh sản) và tế bào sắc tố. Tế bào đáy có hình trụ, nằm vuông góc với đường phân cách giữa biểu bì và chân bì (màng đáy). Chúng có bào tương bắt màu kiềm nhẹ, nhân hình bầu dục hay dài chứa nhiều chất nhiễm sắc. Các tế bào này nằm sát nhau và dính với nhau bằng các cầu nối bào tương. Trong một số tế bào thường thấy hình nhân chia. Tế bào hắc sắc tố (các tế bào sáng hay các tế bào đuôi gai), có nguồn gốc thần kinh, chúng có khả năng tổng hợp sắc tố melanin. Khi nhuộm muối bạc thấy tế bào có nhiều nhánh bào tương dài, trong bào tương có những hạt sắc tố đen. Khi nhuộm hematoxylin- eosin chúng là những tế bào sáng, nhân bắt màu sẫm, bào tương bắt màu kiềm nhẹ. Màng đáy không bắt màu thuốc nhuộm thông thường. Khi sử dụng thuốc nhuộm acid schiff, màng đáy bắt màu đỏ-(là một vạch mỏng, đậm đặc, thuần nhất, vì nó chứa một lượng khá lớn polysaccarid). Nó là một hàng rào để khuyếch tán các hạt nhỏ như thuốc nhuộm... lan vào chân bì. Tế bào đáy có nhân lớn bắt màu đậm, bào tương chứa nhiều riboxom, golgi, lưới nội bào có hạt, ty thể và các hạt sắc tố. Các lá sừng trong tế bào đáy tụ lại tạo thành các bó sừng từ xung quanh nhân chạy ra gắn với các cầu nối (desmosome) và bán cầu nối (hemidesmosome) giúp các tế bào gắn kết với nhau một cách vững chắc. Hemidesmosome gắn tế bào đáy với màng đáy còn desmosome gắn các tế bào đáy với các tế bào lớp gai ở trên.Hemidesmosome là một cấu trúc của khung tế bào, nối giữa lớp tế bào đáy với màng đáy. Các thành phần tạo nên gồm có: thành phần nội tế bào, màng bào tương và các thành phần ngoại bào. Các lá sừng trong tế bào đáy chạy tới gắn vào mảng bám của Hemidesmosome. Mảng bám gồm các thành phần: BP 230 (Bullous pemphigoid antigen 230 hay BPAg-1); BP 180 (Bullous pemphigoid antigen 180, BPAg-2 hay collagen 17) và 64 integrin, laminin-5. Các lá protein neo giữ xuất phát từ Hemidesmosome chạy ra gắn vào laminar densa. Vùng này gọi là laminar lucida. Thành phần chủ yếu của laminar densa là laminin-5, EBA Ag, collagen 7, perlecan, nidogen. Laminar densa có chức năng như một màng lọc không cho các phân tử lớn hơn 40kDa đi qua. Tiếp theo là các sợi fibril neo giữ xuất phát từ laminar densa và chạy tới gắn vào mảng neo giữ sau đó chạy ngược lại bám vào laminar densa tạo thành các bó sợi giúp gắn kết tế bào đáy với màng đáy. Hemidesmosome là thành phần vô cùng quan trọng của thượng bì và có rất nhiều bệnh da có liên quan đến bộ phận này. Tế bào lớp đáy có cặp phân tử keratin là K5 (58kDa) và K14 (50kDa), khung tế bào được tạo bởi các lá sừng nhỏ (Microfilaments: Actin, Mýyosin và Alpha actinin) và những vi ống (Microtubules) giúp tế bào có hình thái và cấu trúc bền vững. Ở thượng bì của chuột, khoảng 10% tế bào lớp màng đáy có khả năng phân bào gọi là tế bào Stem, 50% là tế bào phân chia chuyển tiếp và 40% là các tế bào tiền phân bào. Tế bào Stem có thời gian tồn tại dài, chu kỳ tế bào rất chậm và pha S ngắn. Tế bào này tăng phân chia khi có vết thương, phơi nhiễm với các tác nhân gây ung thư, hoặc các yếu tố điều hoà phát triển thượng bì. Khi tế bào đáy phát triển, sừng hoá, thời gian tế bào này di chuyển từ màng đáy lên đến khi thành tế bào sừng là 14 ngày và thời gian ở lớp sừng đến khi thành vảy da va bong ra khoảng 14 ngày nữa. Như vậy thời gian để tái tạo toàn bộ thượng bì là khoảng 4 tuần. 
1.2.2.Lớp gai 
Ở ngay trên lớp đáy, phân biệt với lớp đáy bằng rất nhiều các cầu nối giữa các tế bào (vì vậy gọi là lớp gai). Tế bào gai có hình đa giác, nhân tròn. Các tế bào ở trên to hơn, dẹt hơn và có cơ quan mới là lamellar granules, bộ phận này có dạng lá gấp lại hoặc dạng đĩa, dạng giống liposome… có nhiều ở các tế bào bên trên của lớp gai, có chức năng tạo ra và tiết xuất các glycoprotein, glycolipid, phospholipid, sterol tự do, axit hydrolase…các thành phần này có tác dụng bảo vệ cho da chống lại sự xâm nhập của các tác nhân có hại, giữ nước và tham gia vào quá trình gắn kết và bong vảy của lớp sừng. Trong tế bào lớp gai vẫn tồn tại các lá sừng chạy từ nhân tế bào ra gắn vào các cầu nối và cũng có các keratin K5, K14. Ngoài ra xuất hiện thêm K1 (56.5kDa) và K10 (67kDa) cho thấy đang diễn ra quá trình sừng hoá của tế bào sừng. Các tế bào lớp gai nối với nhau bằng các cầu nối gọi là desmosome. Đây là cấu trúc ở bề mặt của tế bào và phụ thuộc canxi, rất vững chắc với các tác nhân cơ học. ở mỗi tế bào có một mảng bám (gắn với mặt trong màng plasma của tế bào), tạo bởi 6 polypeptids, là protein band 6, desmoplakins I và II, desmoyokin, keratocalmin và plakoglobin. Keratocalmin gắn với mảng bám tại vị trí mà các lá sừng gắn vào. Nối ở phía ngoài màng bào tương là các phân tử desmoglein 1, 3 và desmocollins I, II. Khoảng kẽ giữa các tế bào sừng là nơi diễn ra sự điều hoà và trao đổi chất, phát triển và biệt hoá các tế bào. Trong các tế bào gai ở trên cùng của lớp gai có các tổ chức hạt gọi là lamellar granules. Đây là cơ quan có chức năng bài tiết lipid giúp cho da giữ nước tránh khô da. Các tế bào lớp gai có hình đa diện, nằm trên lớp đáy, có từ 5-10 hàng tế bào. Các tế bào nằm sát nhau, nối với nhau bằng các cầu nối bào tương, rõ rệt hơn ở lớp đáy. Dưới kính hiển vi điện tử các tế bào này không nối hẳn với nhau mà chỉ tiếp xúc bằng các thể nốí (desmosome) chứa những hạt đậm đặc mà bản chất là phospholipid. Khi tách các tế bào gai rời nhau ra thì thấy trên bề mặt có những nhú bào tương giống như những cái gai. Trong bào tương có nhiều tơ trương lực qui tụ vào các cầu nối. Chúng có thể hợp lại thành bó. Các tế bào gai cũng có khả năng sinh sản bằng gián phân. Hoạt động gián phân của lớp đáy và lớp gai đều mạnh mẽ và liên tục. Khoảng từ 20-27 ngày biểu bì của da người lại được đổi mới một lần.
1.2.3.Lớp hạt 
Là lớp tế bào ở trên lớp gai. Các tế bào của lớp hạt gồm từ 3- 4 hàng, chúng có hình dẹt, nằm trên lớp gai. Trong bào tương chứa các hạt sừng keratohyalin. Những hạt này xuất hiện chứng tỏ quá trình sừng hoá bắt đầu. Keratin thuộc nhóm protein sợi có chứa nhiều gốc aminoacid, arginin, lysin, cystidin... chúng khá bền vững với những tác nhân hoá học như acid hoặc base. Bề dầy của lớp hạt dao động phụ thuộc vào mức độ sừng hoá. Lớp hạt dầy ở những nơi có lớp sừng dầy. ở những nơi có á sừng thì thường không có lớp hạt. Hình dạng tế bào đã biến đổi dẹt lại. Trong tế bào xuất hiện các hạt keratohyaline mà thành phần chủ yếu là tiền chất filaggrin và các lá keratin trung gian. Đây là đặt trưng của lớp hạt. Các phân tử keratin K1 biến đổi thành K2, K10 thành K11. Trong quá trình chuyển dần từ tế bào hạt thành tế bào sừng, tiền chất filaggrin sẽ chuyển thành filaggrin và là thành phần chủ yếu của vỏ tế bào sừng. 
1.2.4.Lớp sừng
Có tác dụng bảo vệ da, là hàng rào ngăn sự mất nước của da. Đây là những tế bào có kích thước lớn nhất ở lớp thượng bì. Thành phần chủ yếu là keratin. Lớp sừng ở trên cùng, các tế bào trở nên dẹt hoàn toàn, màng bào tương dầy, nhân biến mất. Trong bào tương chỉ còn toàn những sợi sừng. Mỗi tế bào biến thành một lá sừng mỏng, chúng chồng chất lên nhau, những tế bào ở mặt trên cùng luôn luôn bị bong rơi ra. 
1.2.5.Lớp sáng(stratum lucidum)
Lớp này chỉ có ở lòng bàn tay, bàn chân, nó nằm ở trên lớp hạt và gồm những tế bào trong, thuần nhất, không có nhân, dẹt, chúng sắp xếp thành 2 hoặc 3 hàng. Các tế bào này chứa chất eleidin, hình thành do hoá lỏng các hạt sừng trong chứa nhiều nhóm disulfit. Sắc tố của thượng bì: Sắc tố ở da thuộc nhóm hắc tố, có tác dụng bảo vệ cơ thể tránh tác hại của tia cực tím. Sắc tố (melanin) ở da do tế bào sắc tố (melanocyte) tổng hợp. Cứ khoảng 10- 15 tế bào đáy lại có một tế bào sắc tố. Bình thường các tế bào sắc tố nằm xen lẫn với các tế bào đáy, khi sắc tố cần nhiều thì tế bào sắc tố (melanocyte) có cả ở trong lớp gai (vùng da bị rám nắng) và trong các đại thực bào ở chân bì. Sắc tố Melanin và gen:Melanin có hai kiểu: pheomelanin (màu đỏ) và eumelanin (nâu đậm gần như màu đen). Cả số lượng lẫn kiểu được xác định bởi bốn tới sáu gen mà vận hành ở dưới incomplete dominance. Một sao chép của toàn bộ những gen đó được thừa hưởng được từ người cha và một từ mẹ. Mỗi gen có nhiều loại allele, dẫn đến sự đa dạng của màu da. Màu da loài người có thể có nhiều sắc, từ rất đậm cho đến rất nhạt gần như không màu (và ở những người này, da có nước màu trắng hồng do màu máu ẩn hiện lên trên). Màu sắc của da là do lượng sắc tố melanin trong da, nhiều thì làm da đậm đen lại, ít thì làm da nhạt đi. Nói chung phái nữ có ít melanin hơn phái nam. Người có tổ tiên sinh sống vùng nắng nhiều, nhiệt độ cao có da đậm đen, trong khi da người có tổ tiến sống vùng ít nắng, ôn đới trắng hơn. Tuy nhiên càng về sau này càng có sự pha trộn giữa các sắc dân, nên màu da có nhiều sắc khác nhau. Da đậm giúp chống lại các loại ung thư da được gây ra bởi đột biến trong những tế bào tạo ra bởi tia cực tím. Những người da nhạt có quanh một nguy cơ chết vì ung thư da gấp mười hơn những người da đậm, dưới những điều kiện giống nhau. Hơn nữa, da đậm ngăn ngừa UV-A phá hủy folate của vitamin B. Folate cần cho sự tổng hợp của DNA trong tế bào và mức quá thấp của folate trong phụ nữ có thai có liên quan đến những khuyết tật khi sinh. Tế bào Langerhans: là một loại tế bào riêng biệt, nằm ở lớp gai. Cho tới nay phần lớn các tác giả cho rằng tế bào này là tiền đồn của hệ thống miễn dịch tế bào của cơ thể. 
Cấu trúc Desmosome
Là phức hợp liên kết phụ thuộc Canxi chính ở thượng bì: từ bó sợi keratin kích thước trung bì xuất phát từ trong tế bào và liên kết với phần xuyên màng và gắn với tế bào sừng kề bên. 
-Chức năng của desmosome là ổn định tế bào sừng, hạn chế tác động từ các sang chấn. Desmosome là siêu cấu trúc, trên kính hiển vi điện tử ta sẽ thấy đó là phần bắt màu đậm, song song với màng tế bào với khoảng gian bào 30 nm. Mảng bắt màu đậm trên kính hiển vi điện tử này có thể phân thành 3 phần cấu trúc riêng biệt: dải bắt màu đậm tiếp với màng tế bào, dải ít bắt màu hơn, và vùng hình sợi. Sợi keratin kích thước trung bình chạy vòng qua vùng này.
 -Thành phần chính của desmosome gồm các sản phẩm được tạo ra từ 3 siêu nhóm gen: Desmosomal Cadherins, armadillo và plakin. Phần phức hợp xuyên màng được tạo ra bởi desmoglein (Dsg1 – 3) và desmocollin (Dsc1 – 3) liên kết theo nguyên tác Dsg của tế bào này liên kết với Dsc của tế bào đối diện. Sự phân bố của chúng cũng khác nhau, ví dụ Dsg1 và Dsc1 chủ yếu ở phần thượng bì trên, trong khi đó Dsg3 và Dsc3 chủ yếu ở thượng bì sâu. Phần phức hợp xuyên màng bên trong tế bào liên kết với sợi keratin thông qua desmoplakin, plakoglobin và các phân tử lớn khác. Sự phân bố của Desmoglein và Desmocollin cũng khác nhau ở da và ở niêm mạc. Ở da, Dsg 1 và Dsc 1 trải đều cả phần trên và phần dưới thượng bì nhưng ưu tiên phần trên hơn. Nhưng ở niêm mạc chỉ có ở phần trên mà không có ở phần dưới thượng bì. Đối với Dsg 3 và Dsc 3 thì ngược lại. Ở da, Dsg 3 và Dsc 3 chỉ có ở phần dưới mà không có ở phần trên của thượng bì, nhưng ở niêm mạc thì có cả phần trên và dưới thượng bì và ưu tiên phân trên hơn.
 
2. TRUNG BÌ 
 
Nằm dưới thượng bì, nó gồm có 2 phần: 
2.1.Lớp nhú: Là lớp nuôi dưỡng, rất mỏng chỉ khoảng độ 0,1mm. Trên bề mặt có những gai hình nón, ăn sâu vào trong lòng thượng bì. 
2.2.Lớp trung bì chính thức: Đây là lớp chống đỡ, dày khoảng 0,4mm. Được cấu tạo nhiều bó liên kết chằng chịt lấy nhau, lớp trung bì chứa các phần phụ của da, tuyến mồ hôi, tuyến bã, nang lông, các vi thể thần kinh cảm giác, áp lực, nhiệt, đau...Về cấu trúc trung bì gồm 3 thành phần: 
+ Những sợi chống đỡ, sợi tạo keo là những sợi thẳng không phân nhánh cấu tạo bởi những chuỗi polypeptit (khoảng 20 loại axit amin). Sợi tạo keo có thể bị phá huỷ bởi men colagenaza do vi khuẩn tiết ra. Sợi chun là những sợi lớn hơn có phân nhánh, nó bắt nguồn từ sợi tạo keo. Sợi lưới tạo thành màng lưới mỏng bao bọc quanh mạch máu, tuyến mồ hôi. Cấu trúc của nó giống hệt sợi tạo keo. 
+ Chất cơ bản là một màng nhầy gồm trytophan, tyrosin,... Nó bị phá huỷ bởi tryosin. 
+ Tế bào gồm tế bào xơ hình thoi hoặc hình amíp, có tác dụng làm da lên sẹo. Tổ chức bào hình thoi hoặc hình sao, nó có thể biến thành đại thực bào đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể. Tương bào tham gia quá trình chuyển hoá heparin, histamin. 
2.3.Phần khác: ngoài các thành phần trên ở trung bì còn có những động mạch, tĩnh mạch, bạch mạch (hệ thống này được bắt nguồn từ các đám rối ở sâu)và hệ thống thần kinh của da.
 
3. HẠ BÌ 
 
Hạ bì (còn gọi là lớp mỡ dưới da).Hạ bì chứa mô liên kết, nhiều mạch máu, thần kinh... đảm bảo cho da sống và thực hiện các chức năng của mình. Gồm nhiều tầng ngăn, liên kết tạo thành nhiều ô, chứa nhiều chất mỡ. Ở hạ bì có nhiều mạch máu lớn. Hạ bì là nơi dự trữ mỡ, có vai trò bảo vệ cơ học chống những sức ép, chấn động đột ngột; xem như cái gối che chở da và những cấu trúc bên dưới và có vai trò điều hoà nhiệt độ. 
4. MẠCH MÁU VÀ THẦN KINH 
Các mạch máu lớn nằm ở hạ bì. Các mạch máu nhỏ chia 2 hệ thống:
- Hệ thống dưới trung bì, có nhiệm vụ nuôi dưỡng các bộ phận như lông, tuyến mồ hôi.
- Hệ thống ở lớp gai: gồm nhiều mạch máu nuôi dưỡng da.
- Hệ thống thần kinh da gồm các đầu mút thần kinh cảm giác, áp lực, nhiệt ở trung bì và thượng bì. Thần kinh da được chia làm 2 loại: có vỏ bọc myelin (thần kinh não tuỷ) và thần kinh không có vỏ myelin (thần kinh giao cảm). 
Có 5 loại tiểu thể: 
- Tiểu thể Water Pacini có nhiều ở lòng ngón tay cho biết cảm giác sờ mó. 
- Tiểu thể Golgi- Mazzoni giống loại trên nhưng nhỏ hơn.
- Tiểu thể Ruffini cho biết cảm giác nóng. 
- Đĩa Meckel- Ranvier và tiểu thể Meissner cho cảm giác tiếp xúc. 
- Tiểu thể Krause cho cảm giác lạnh. 
5. PHẦN PHỤ CỦA DA 
5.1.Tuyến mồ hôi
có loại đổ trực tiếp qua da, có loại đổ ở phần đầu của nang lông.Tuyến mồ hồi gồm có 3 phần: 
- Cầu bài tiết hình tròn khu trú ở chân bì sâu hoặc hạ bì, có 2 lớp tế bào giữa là những tế bào bài tiết, chung quanh có lớp tế bào dẹt bao bọc. 
- Ống dẫn đoạn qua trung bì có cấu trúc như phần cầu nhưng ít bài tiết. 
- Ống dẫn đoạn qua thượng bì có đoạn xoắn ốc, càng ra ngoài càng xoắn nhiều, gồm một lớp tế bào có nhiễm hạt sừng. 
5.2.Tuyến bã
Nằm cạnh nang lông, đổ chất tiết vào nang lông mở ra ở da, tạo mềm mại da, chống thấm nước, chống khô da.Tuyến bã thông với nang lông bằng ống tiết. Mỗi tuyến bã có nhiều thuỳ, mỗi thuỳ gồm nhiều lớp tế bào: ngoài cùng là những tế bào trẻ giống tế bào lớp cơ bản, rối đến lớp tế bào to chứa những hạt mỡ, trong cùng có những lớp tế bào chứa đầy mỡ làm căng vỡ tế bào, rồi chảy ra ngoài thành chất bã(sebum). ống tiết được cấu tạo bởi tế bào sừng. 
5.3. Lông móng
- Lông là biến dạng nhiễm Keratin của thượng bì, có 3 loại lông: lông tơ, tóc, râu.Nang lông là phần lõm sâu xuống của thượng bì chứa sợi lông và tiếp cận với tuyến bã. Nang lông ở rải rác khắp da trừ lòng bàn tay và lòng bàn chân. Mỗi nang lông có 3 phần: miệng nang lông thông với mặt da, cổ nang- phần này bé lại và bao lông là phần dài nhất ăn sâu xuống hạ bì. 
- Móng là biến dạng của da, ở các đầu ngón tay, ngón chân.Móng là một tấm sừng mỏng nằm gọn trong một rãnh ở mặt lưng của đầu ngón. Móng có một bờ tự do, ba bờ còn lại được các nếp da phủ lên gọi là bờ sau và hai bờ bên. Phần móng ở bờ sau có hình vát gọi là rễ móng. Phần còn lại dầy đều, hình khum gọi là thân móng. Thượng bì ở dưới móng tiếp với thượng bì da ở nếp gấp sau và các nếp gấp bên. Thượng bì ở dưới rễ móng gọi là mầm móng gồm lớp sinh sản và lớp gai. Các tế bào gai tiến dần lên và dẹt dần lại thành những lá sừng mà không có lớp hạt. Chân bì của rễ móng có nhiều mao mạch. Chân bì của thân móng là một mô xơ, ít mao mạch, nhiều sợi collagen, sợi chun song song với mặt móng, một số sợi có hướng vuông góc dính chặt vào màng xương nên chân bì vùng thân móng rất chắc chắn và cố định. 
5.4.Niêm mạc
Khác da ở chỗ không nhiễm Keratin. Các lớp nông ở niêm mạc gồm tế bào có nhiều lỗ hổng dẹt và sẽ bong đi chứ không nhiễm Keratin, còn các lớp tế bào gai, lớp hạt giống như da nhưng dày hơn.
 




Facebook
Email: dalieudongdieu@gmail.com
dalieuvietnam@gmail.com

Sơ Đồ Đường Đi

Tìm Kiếm

TỪ ĐIỂN

TÌM HIỂU DA CỦA BẠN

Liên Kết Website



BỘ Y TẾ
BỘ Y TẾ - CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
BV Da liễu trung ương Quy Hòa
BV Da liễu TP.HCM
BV Da liễu Trung Ương
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương

Quảng Cáo

Liên Hệ: 0913.407.557
Quảng cáo
Quảng cáo

FACEBOOK

Số Lượng Truy Cập