TÌM HIỂU DA CỦA BẠN

CẤU TRÚC VÀ SINH LÝ CỦA TÓC

Lông/tóc có thể được tìm thấy ở các mật độ khác nhau tùy theo tăng trưởng  trên  toàn bộ bề mặt của cơ thể, ngoạitrừ nơi không có lông là lòng bàn tay, lòng bàn chân và đầu dương vật. Các nang lông/tóc tập trung nhiều nhất trênda đầu và  mặt  và đều được bắt nguồn từ lớp biểu bì và hạ bì. Mỗi nang lông/tóc được lót bởi các tế bào mầm (germinative), sản xuất sừng (keratin) và tế bào biểu bì tạo hắc tố tổng hợp sắc tố (Hình 1.). Mỗi sợi tóc/lôngbao gồm một lớp biểu bì bên ngoài, vỏ của các tế bào sừng và tủy (medulla) bên trong. Vỏ ngoài chân lông/tóc, được bao  quanh bỡi hành lông/tóc, bao gồm một lớp bên ngoài và bên trong. Cơ dựng lông (erector pili muscle) được gắnkết với các thân lông/tóc và khi gặp phải sự sợ hãi,  lạnh và cảm xúc sẽ dựng tóc/lông thẳng, tạo cho “da gà da ngỗng" (goose bumps).

 

Hình 1: Cấu trúc của nang lông (hair follicle).

I. Cấu tạo sinh học của sợi tóc

Mỗi người đều sở hữu cho mình một mái tóc riêng, có người tóc rất dài, mượt. Nhưng có người tóc lại rất mỏng, lại bị quăn, nó đều mang những vẻ rất riêng, không ai giống ai. Hiểu rõ hơn về cấu tạo của tóc để biết được rằng tại sao lại có sự khác biệt tới như thế.

 

Hình 2: Cấu tạo của tóc

Thành phần chính cấu tạo nên sợi tóc là chất sừng keratin chiếm trên 70% (gồm nhiều loại protein). Keratin cũng chính là cấu thành chính của móng tay chân và lớp ngoài cùng của da chúng ta. Keratin mọc từ nang tóc (chân tóc).

1. Nang tóc (chân tóc)

Nang tóc hay còn gọi là chân tóc chính phần bầu hình chén nằm dưới da đầu. Mỗi nang tóc chứa rất nhiều mạch máu nhỏ li ti. Nang tóc dính chặt với da đầu để những chất dinh dưỡng sẽ theo những mạch máu đi nuôi tóc. Nang tóc là phần “sống” duy nhất của sợi tóc giúp tóc mọc dài ra.

2. Thân tóc

Thân tóc chính là những “sợi tóc” mà bạn nhìn thấy hàng ngày. Thân tóc chính là phần tóc đã “chết” và không có trao đổi hóa sinh (vì thế mà bạn không thấy đau khi dùng kéo cắt tóc). Xung quanh nang tóc có các tuyến nhờn (còn gọi là tuyến dầu hay tuyến bã) giúp bôi trơn sợi tóc và các cơ nang để giúp tóc “dựng lên” (ví dụ khi sợ tới mức “dựng tóc gáy”).

Thân tóc gồm 3 lớp: Lớp biểu bì (cutin), lớp giữa (cortex) và lớp tủy (medulla).

Lớp tủy (medulla): đây là phần trong cùng của sợi tóc, chứa các hạt chất béo và không khí. Nếu sợi tóc của bạn quá mỏng sẽ không có lớp tủy.

Lớp giữa (cortex) : lớp này bao gồm nhiều bó sợi nhỏ hợp thành và chứa sắc tố (chất tạo nên màu cho sợi tóc, còn gọi là melanin). Các bạn cần lưu ý là melanin không liên quan gì đến chất melamine có trong sữa nhé!. Lớp giữa là lớp có khả năng quyết định độ chắc khỏe cũng như màu tóc là vàng, nâu, đỏ hoặc đen.

Lớp biểu bì (cutin) : là phần ngoài cùng của thân tóc, gồm 5-10 lớp keratin trong suốt xếp chồng lên nhau như vảy cá có tác dụng bảo vệ sợi tóc khỏi các hóa chất hoặc ảnh hưởng bên ngoài. Giữa các vảy keratin có một chất kết dính gọi là KIT. Lớp biểu bì còn được bao phủ bởi một màng mỡ mỏng (lipid) để tóc không thấm nước.

 

 Hình 3: Cấu tạo thân tóc.

Sợi tóc bóng mượt và óng ả hay không là nhờ lớp biểu bì. Các hóa chất trong thuốc nhuộm, dầu gội, tia tử ngoại mặt trời, nhiệt từ máy sấy, chất clo trong nước hồ bơi… đều có thể làm mất chất kết dính KIT khiến cho các vảy keratin bị bong ra, tóc bị hư tổn, xơ xác, dễ rối, không còn mượt mà và khó chải.

Sợi tóc (hay chính là phần thân tóc) chính là một cấu trúc “chết” nên không tự phục hồi được. Vì vậy dầu xả hoặc kem xả có chứa silicon, tinh dầu và một số chất khác sẽ giúp giữ ẩm và làm tóc mượt trở lại.

3. Màu tóc

Bạn sở hữu màu tóc nào là do hai loại melanin quyết định: eumelanin (sắc tố tự nhiên, có màu nâu đến đen) và pheomelanin (sắc tố đỏ). Nhìn chung, nếu càng có nhiều eumelanin thì tóc càng sẫm màu và ngược lại.

Tỉ lệ melanin thay đổi theo thời gian, nên màu tóc các bạn cũng thay đổi theo tuổi. Càng về già, các sắc tố càng giảm nên màu tóc nhạt dần. Nếu không còn sắc tố nữa, tóc sẽ có màu trắng. Ngoài ra, yếu tố chủng tộc cũng ảnh hưởng đến màu tóc.

II. Tuổi thọ của tóc

Độ bền của mỗi sợi tóc bền tương đương với độ bền của một sợi dây sắt có độ dày tương đương.

Trung bình tóc dài khoảng 0.35mm mỗi ngày. Tức khoảng 1cm mỗi tháng. Tuy nhiên tốc độ mọc tóc còn tùy thuộc nhiều vào cơ địa mỗi người, giới tính và chế độ dinh dưỡng.

Thời gian sống của mỗi sợi tóc trung bình từ 2-6 năm.

Độ dài trung bình của tóc là 70cm; lông mi là 3cm; ria mép đàn ông là 28cm

Tốc độ mọc trung bình mỗi tháng của tóc là 1cm, lông mi là 0.45cm và ria mép là 1.2cm

Da đầu của mỗi người có từ 65 đến 150 nghìn sợi tóc. Người tóc vàng có nhiều tóc nhất, và ít nhất là người tóc đỏ.

Mỗi sợi tóc dày từ 0,02 đến 0,04 mm, tức là khoảng 25-50 sợi tóc xếp cạnh nhau sẽ được 1mm.

Bí mật về sợi tóc: vấn đề cần biết

Bình thường, trên da đầu của mỗi người có khoảng hơn 100.000 - 150.000 sợi tóc, mỗi ngày có 70 - 100 sợi tóc rụng và cũng có từng ấy sợi tóc mới mọc. Sự thay đổi của mái tóc là dấu hiệu thể hiện tình trạng sức khỏe của bạn.

III. Biểu hiện bệnh của mái tóc

1. Tóc thưa, khô dần hay da đầu có vảy

Là những dấu hiệu cho thấy sức khỏe bạn có vấn đề. Sự thay đổi cấu trúc tóc khiến tóc mảnh hơn có thể là dấu hiệu của việc tuyến giáp không hoạt động hiệu quả - hay còn gọi là bệnh thiểu năng tuyến giáp. Bên cạnh đó, những dấu hiệu khác của bệnh thiểu năng tuyến giáp gồm có mệt mỏi, tăng cân, nhịp tim chậm và hay bị lạnh.

2. Da đầu có vảy hoặc những mảng cứng, thường bắt đầu ở đường chân tóc

Da đầu đóng một lớp vảy cứng dày có thể là dấu hiệu của bệnh vảy nến. Bệnh vảy nến là bệnh thông thường nhất trong số tất cả các bệnh tự miễn, xảy ra khi các tế bào da phát triển quá nhanh chóng. Nếu bị các bệnh tự miễn, bạn có nguy cơ cao mắc bệnh vảy nến. Ngược lại, nếu phát hiện ra mình bị vảy nến, bạn nên đề phòng việc mình mắc những bệnh khác. Có tới 30% những người bị vảy nến mắc bệnh viêm khớp vảy nến - một căn bệnh làm các khớp bị sưng tấy, gây đau đớn.

 

Đó cũng có thể là những dấu hiệu của bệnh viêm da tiết bã nhờn. Đây là một bệnh viêm da đầu mạn tính, khiến da đầu có những vảy ngứa, thường xảy ra ở vùng da dầu. Căn bệnh này thường xảy ra cùng lúc với nhiễm nấm - bệnh phát tác do sự tăng trưởng quá nhanh của nấm men (thường xuất hiện trên da và da đầu). Lợi dụng lúc da bị kích thích, loại nấm men pityrosporum ovale tác động và làm cho da bị sưng tấy nhiều hơn nữa.

3. Tóc thưa dần 

Bình thường bạn rụng khoảng 70 - 100 sợi tóc mỗi ngày. Tuy nhiên, sau khi gội đầu mà nhận thấy nhiều tóc rụng bám vào lược, khăn lau hay tóc rụng thành từng đám thì đó là dấu hiệu đáng lo ngại. Một nguyên nhân thông thường của hiện tượng này là do căng thẳng tâm lý, thường xảy ra sau bị stress, thất nghiệp…, lên cơn sốt do cúm hay bị nhiễm trùng.

Ngoài ra, bệnh đái tháo đường cũng khiến tóc mỏng hoặc rụng đột ngột. Các chuyên gia cho rằng tóc rụng nhiều là dấu hiệu cảnh báo ban đầu của việc bệnh đái tháo đường ảnh hưởng đến lượng hormone trong cơ thể.

4. Tóc khô, giòn và dễ gãy

Nếu sáng dậy, nhìn thấy các sợi tóc bám trên gối thì đó thường là do tóc bạn bị gãy chứ không phải bị rụng khỏi nang tóc. Hiện tượng tóc gãy thường xảy ra do tóc trở nên giòn dưới tác động của hóa chất (ép, nhuộm, uốn…)

Tuy nhiên, cũng có một số bệnh khiến tóc giòn và dễ gãy như hội chứng cushing - một chứng rối loạn tuyến thượng thận làm hormone cortisol bị sản xuất quá nhiều. Bệnh giảm năng tuyến cận giáp - căn bệnh xảy ra do di truyền hoặc do tuyến cận giáp bị tổn thương khi phẫu thuật đầu và cổ cũng có thể khiến tóc khô và dễ gãy.

5. Tóc rụng thành từng cụm nhỏ

Phản ứng miễn nhiễm của cơ thể làm ảnh hưởng tới các nang tóc, khiến nó teo lại và tóc rụng thành từng cụm nhỏ. Các chuyên gia gọi kiểu rụng tóc này là rụng tóc mảng. Bệnh rụng tóc mảng có thể gây rụng lông mày hoặc lông mi - một triệu chứng phân biệt bệnh này với các kiểu rụng tóc khác.

Bệnh đái tháo đường cũng có thể gây ra kiểu rụng tóc này ở một số người. Trong những ca bệnh nặng, bệnh nhân có thể rụng hết tóc trên đầu hoặc thậm chí là rụng hết lông trên người.

6. Tóc bạc sớm

Tóc chuyển hoa râm hay bạc chủ yếu là do di truyền, tuy nhiên căng thẳng cũng gây ra hiện tượng tóc hoa râm. Căng thẳng có thể kích hoạt phản ứng dây chuyền làm xáo trộn việc chuyển tải sắc tố melanin - sắc tố quyết định màu tự nhiên của tóc.

IV. Dinh dưỡng cho tóc khỏe

Để giữ mái tóc luôn khoẻ đẹp, chúng ta cần chú ý bảo đảm nguồn dinh dưỡng hàng ngày cho tóc.

- Protein là thành phần chính cấu tạo nên tóc. Để cơ thể tổng hợp được chất này một cách dễ dàng, bạn nên ăn các thức ăn giàu chất đạm. Các protein thực phẩm có nguồn gốc động vật như trứng, cá, sữa, thịt nạc, gan… tốt cho tóc hơn là các đạm thực vật. Tuy nhiên, nên dùng đậu nành vì ngoài cung cấp protein, nó còn ít chứa các chất béo gây hại cho tóc.

- Sắt là thành phần chủ yếu giúp tóc mọc nhanh. Các thực phẩm giàu chất sắt như thịt gia cầm, đậu nành, lúa mì, thịt bê, lươn, tim bò, thịt bò, lạc, lòng đỏ trứng. Các loại quả khô như chà là, nho khô, rau đậm màu như rau cải và các loại hạt ngũ cốc đều chứa nhiều sắt.

- Ngoài việc chọn thức ăn giàu loại sắt dễ hấp thu, bạn còn nên bổ sung vitamin C từ hoa quả như cam, dâu và chanh để kích thích cơ thể tiếp nhận sắt; hạn chế dùng trà, cà phê vì chúng có tác dụng ngược lại.

- Kẽm, thành phần vi lượng quan trọng ngăn rụng tóc: Kẽm tham gia vào quá trình tổng hợp protein và phân chia tế bào. Kẽm có vai trò quan trọng trong việc gắn kết các nang tóc. Khi cơ thể của bạn có hàm lượng kẽm thấp, các nang tóc sẽ yếu đi và đó là nguyên nhân khiến các sợi tóc không đủ khả năng bám lại da đầu và rụng xuống.

Những nguồn thực phẩm cung cấp nhiều kẽm nhất là sò huyết, hải sản, các loại thịt đỏ, lúa mì non, pho-mát, hạt dẻ.

- Vitamin làm tóc mọc nhanh và mềm mại hơn: Các vitamin nhóm B có vai trò quan trọng trong việc giữ cho tóc, da đầu và da luôn được khỏe. Các vitamin B có trong các loại thực phẩm, nhất là ở hạt ngũ cốc, bánh mì, rau lá xanh, các loại đậu, đậu nành, men, mộng lúa mì, thịt bò (nhất là ở gan). Thiếu vitamin nhóm B có thể dẫn đến thiếu máu, gây ra các vấn đề về thần kinh, viêm da đầu và da; Làm tóc bạc sớm, rụng tóc.

- Hạn chế chất béo có hại cho tóc: Một chế độ ăn giàu chất béo làm tăng hàm lượng testosterone - nguyên nhân gây rụng tóc. Những đồ ăn này còn ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển bình thường của tóc, dễ gây khô và bạc tóc. Để có mái tóc đẹp, bạn nên hạn chế đồ ăn có chứa nhiều đường, dầu mỡ, các loại đồ ăn chứa nhiều axit chua như các loại bánh ngọt, kem, các loại đồ ăn nhanh, các món chiên xào nhiều dầu mỡ, các loại rau củ quả chế biến theo hình thức lên men…

 

 





Facebook
Email: dalieudongdieu@gmail.com
dalieuvietnam@gmail.com

Sơ Đồ Đường Đi

Tìm Kiếm

TỪ ĐIỂN

TÌM HIỂU DA CỦA BẠN

Liên Kết Website



BỘ Y TẾ
BỘ Y TẾ - CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
BV Da liễu trung ương Quy Hòa
BV Da liễu TP.HCM
BV Da liễu Trung Ương
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương

Quảng Cáo

Liên Hệ: 0913.407.557
Quảng cáo
Quảng cáo

FACEBOOK

Số Lượng Truy Cập