BỆNH HỌC

BỆNH NHẼO DA

(cutis laxa)

1. Đại cương

Bệnh nhão da (cutis laxa) là một bệnh hiếm gặp do di truyền hoặc mắc phải, toàn thân hoặc khu trú. Đây là một bệnh có cơ chế phức tạp làm mất hoặc tiêu các sợi chun (elastin) của da. Cho tới nay, ở Việt Nam đã có 2 trường hợp được báo cáo, một bệnh nhân nữ ở Bến Tre (*) và một bệnh nhân nữ ở Hà Nội (**). Bệnh làm cho da trở nên nhăn nheo, chảy sệ, lão hóa, gây ra cho người bệnh sự mặc cảm, mất hòa đồng vào cuộc sống. Hiện nay vẫn chưa có những biện pháp điều trị hiệu quả, cải thiện hình ảnh lâm sàng.

2. Các sợi liên kết của da và những bệnh liên quan

2.1. Các sợi liên kết của da

Các sợi vùi trong chất căn bản liên kết gồm 3 loại: sợi collagen, sợi võng (reticulin) và sợi chun (elastin). Về nguồn gốc, sợi collagen và sợi võng được hình thành từ protein collagen, sợi chun được hình thành từ protein elastin.

-Sợi collagen: là loại sợi có ở tất cả các mô liên kết, nhưng khác nhau đáng kể về số lượng. Sợi collagen còn gọi là sợi tạo keo bởi khi thủy phân bằng nhiệt chúng biến thành chất keo.

Sợi collagen bắt màu đỏ của thuốc nhuộm eosin, màu xanh của anilin. Đường kính sợi collagen từ 1-10µm, chiều dài không xác định.

Sợi collagen có tác dụng làm da mềm dẻo, tạo độ dày cho da.

            -Sợi võng (reticulin): là những sợi rất mảnh. Sợi được tạo thành bởi các procollagene type III. Sợi thường ở dạng lưới làm thành khoang cho các cơ quan (lách, hạch, mô thần kinh).

            Với phương pháp nhuộm thông thường những sợi này không bắt màu, với phương pháp nhuộm ngấm bạc sợi có màu nâu hoặc đen, sợi cho phản ứng PAS dương tính.

-Sợi elastin: khi quan sát mô tươi sợi chun có màu vàng, trong khi sợi collagen có màu trắng. Sợi chun thể hiện rõ trên tiêu bản nhuộm màu bằng resorcin-fuchsin, aldehyde fuchsin hoặc orcein, cho ra màu đỏ thẫm, xanh da trời thẫm hoặc đen tương ứng.

Dưới kính hiển vi quang học, sợi chun thể hiện khác với sợi collagen bởi chúng mảnh (đường kính 0,2-1µm), thẳng và có nhánh nối với nhau thành lưới. Sợi chun đàn hồi được là do đặc điểm của các phân tử elastin, chúng liên kết với nhau bằng những cầu nối đồng hóa trị để tạo thành lưới phân tử. Khi sợi giãn, từng phân tử trải dài ra và cả lưới phân tử cũng giãn ra như dải cao su giãn. Sợi chun có tính đàn hồi cao, khi kéo căng có thể dài ra từ một đến một lần rưỡi chiều dài của sợi.

 


Hình 1: Hạ bì da nhuộm màu chọn lọc sợi elastin

Sợi elastin nằm rải rác với sợi collagen màu đỏ bao xung quanh

(Nguồn: Luiz Junqueira and Jose Carneiro, 2005)

2.2. Các bệnh liên quan giảm số lượng, chất lượng sợi elastin

- Bệnh Marfan
- Bệnh homocystine niệu
- Bệnh nhão da (cutis laxa)
- Giả u vàng sợi đàn hồi (pseudoxanthoma elasticum)
- Hội chứng Menkes

3. Cơ chế bệnh sinh bệnh nhão da

Nhão da thể hiện bởi sự thoái hóa của sợi elastin gây chảy xệ da. Da bệnh nhân bị kéo giãn không đàn hồi được. Hệ thống sợi chun ở các cơ quan nội tạng như hô hấp, tim mạch cũng bị ảnh hưởng. Trên tiêu bản nuôi cấy nguyên bào sợi da người bệnh thấy có sự gia tăng phá hủy sợi elastin so với da người thường. Người ta nghĩ rằng các tế bào viêm và các chất trung gian hóa học cũng có thể làm hư hại các sợi chun hoặc sợi chun cũng có thể bị elastase của bạch cầu đa nhân, đại thực bào phân hủy, sau đó sẽ bị thực bào.

Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng. Hầu hết các giả thuyết về bệnh nhão da đều dựa vào cơ chế làm suy giảm sợi elastin như:

-Rối loạn chuyển hóa đồng - thiếu đồng

+Đồng tham gia tổng hợp co-enzyme của Lysyl oxidase, enzyme quan trọng trong sinh tổng hợp sợi elastin và gắn kết với sợi collagen.

+ Giảm chất ức chế elastase nên tăng hủy sợi elastin.
-Giảm hoạt độ enzyme lysyl oxidase
-Tăng hủy sợi chun sau viêm nhiễm
-Tăng hủy sợi chun liên hệ bệnh miễn dịch .

4. Dịch tễ học

-Là bệnh hiếm gặp

-Có thể gặp ở mọi chủng tộc

-Nam nữ mắc bệnh ngang nhau

-Tuổi khởi phát phụ thuộc thể bệnh (bẩm sinh hay mắc phải) 

5. Phân loại bệnh nhão da

Di truyền

- Là loại hay gặp nhất

- Xuất hiện sớm sau sinh

- Nguyên nhân do rối loạn di truyền trên:

+ Nhiễm sắc thể (NST) thường gen trội hoặc gen lặn

+ NST giới tính.

Mắc phải

- Ít gặp hơn

- Biểu hiện toàn thân hoặc khu trú.

- Nguyên nhân chưa rõ.

Bệnh nhão da mắc phải thường kèm theo các bệnh: mày đay, bệnh Collagen, bệnh tế bào mast, u tủy, u lympho, bệnh vảy cá, các bệnh tự miễn, các bệnh nhiễm trùng, dị ứng…

Nhiều trường hợp xuất hiện các bệnh da một thời gian lâu sau đó bệnh nhão da mới xuất hiện. Một số trường hợp bệnh nhão da xuất hiện cùng với các bệnh da hay bệnh nội khoa khác. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có ai chứng minh được các bệnh da hay bệnh nội khoa kèm theo là nguyên nhan dẫn đến bệnh nhão da mắc phải.

+ Nhiễm độc da do thuốc

+ Sau một bệnh nhiễm trùng

Bảng 5.1. Bệnh nhão da di truyền

Type

Di truyền

Lâm sàng

Tiên lượng

I

 Trội: gene elastine

- Da lão hoá (có nếp nhăn và chảy xệ xuống)

- Lão hoá xuất hiện sớm

Tốt hơn 2 thể II, III

IIa

Lặn:
gene fibuline

-Da xệ xuống, không đàn hồi
-Khí thũng phổi
- Biến đổi mạch máu tiến triển

Nặng

IIb

 Lặn:  chưa rõ gene

- Da rủ xuống, không đàn hồi
- Chậm phát triển tâm thần-vận động
- Sai khớp

Nặng

III

Lặn trên NST X

- Da rủ xuống
- Khí thủng phổi
- Biến đổi mạch máu

Nặng

 

 

Hình 2. Cutis laxa bẩm sinh: trẻ 2 tuổi, cân nặng 10kg, biểu hiện lão hóa sớm, sự đàn hồi của da yếu bất thường và da chảy xệ, các khớp bình thường.

6. Biểu hiện lâm sàng

6.1. Thương tổn cơ bản

Da nhão, mất đàn hồi, tạo nhiều nếp gấp, sệ xuống, tạo nên nét già trước tuổi. Da giảm đàn hồi khi kéo căng, dễ thương tổn, dễ xây xát…Những vùng da hay bị ảnh hưởng nhất là da mặt (nhất là quanh mắt), vùng cổ, vai và đùi, bụng, quanh rốn.

 

Hình 3. Bệnh nhân Nguyễn Thị Thủy (**) 

 

Hình 4. Da giảm đàn hồi khi kéo căng (**)

6.2. Đường tiêu hóa

Có thể có túi thừa đại tràng hoặc ruột non, sa trực tràng.

6.3. Hệ hô hấp

Trong bệnh nhão da mắc phải vì mất nhiều sợi chun trong mô nâng đỡ, bệnh nhân thường bị giãn phế quản, khí phế thủng, tâm phế mạn…

6.4. Tim mạch.

Tim to, suy tim ứ huyết, tâm phế mạn, phình động mạch chủ…

6.5. Cơ, xương, khớp: loãng xương, trật khớp…

6.6. Hệ tiết niệu sinh dục.

7. Giải phẫu bệnh

Giảm hoặc không có các sợi elastine trong biểu bì.

8. Chẩn đoán

8.1. Chẩn đoán xác định

Dựa vào:

- Triệu chứng lâm sàng

- Khẳng định bằng mô bệnh học

8.2. Chẩn đoán phân biệt

- Pseudoxanthoma elasticum (giả u vàng sợi chun)

- Anectoderma

- Hội chứng Ehlers-Danlos

- Hội chứng Costello

- U lympho tế bào B ở da

- Hội chứng De Barry

ü  Anectoderma

-         Mất mô đàn hồi khu trú, hình tròn,bầu dục

-         Sinh thiết da: thấy sự biến mất có giới hạn rõ ràng, các sợi đàn hồi bình thường đôi khi được thay thế bằng các sợi rất mỏng, không đều (hình 6 và 7).

Hình 6. (Nguồn http://dermis.net)

Hình 7.  (Nguồn http://dermis.net)

ü  Giả u vàng sợi chun

            Da có nhiều các mảng màu vàng nhạt, trên đó có các sẩn rời rạc sắp xếp thành đường, nhìn rõ trên bề mặt da. Các mảng này khu trú ở cổ, vai, nách và các nếp của gáy. Da phía trên có tính đàn hồi. Ngoài ra còn có:

- Tổn thương mạch máu: hình thành các túi phình.

- Tổn thương đường tiêu hoá: giới hạn ở sự rách đột ngột phần cao của ống tiêu hoá.

- Mỡ máu tăng.

ü  Hội chứng Ehlers-Danlos

- Da của bàn tay chắc như cao su là một đặc trưng.

- Da “ mịn như nhung” có thể rất giãn khi kéo da để lại một nếp bất thường biến mất chậm, khác với cutis laxa.

- Khớp tăng vận động.

9. Điều trị

- Điều trị các bệnh kèm theo như: mày đay, bệnh tế bào vón, các bệnh nội khoa, ung thư….)

- Không có điều trị cụ thể hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Điều trị chủ yếu kiểm soát biến chứng (da, phổi, mạch máu, nội tạng, sa trực tràng…) có thể phát sinh từ việc tổn thương liên kết cơ quan nội tạng.

- Phẫu thuật thẩm mỹ để làm giảm các nếp gấp da dư thừa nhưng chỉ có tác dụng tạm thời.

- Có thể dùng Dapson để chống viêm.

(*)Nguyễn Thị Phượng, nữ, 26t - Bến Tre Chẩn đoán: Bệnh nhão da mắc phải phối hợp với tế bào vón ( Mastocytosis).

(**)Nguyễn Thị Thủy, nữ, 40 tuổi- Hà Nội Chẩn đoán tại Bệnh viện Da liễu Trung ương: Bệnh nhão da mắc phải phối hợp với 1 số bệnh nội khoa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Rapini, Ronald P.; Bolognia, Jean L.; Jorizzo, Joseph L.(2007). Dermatology:  2- Volume Set. St. Louis:Mosby. IBBN1-4160-29990-0

2.   Hatamochi A, Kuroda K, Shinkai H, Kohma H, Oishi Y, Inoue S. Regulation of matrix metalloproteinase (MMP) expression in cutis laxa fibroblasts: upregulation of MMP-1, MMP-3 and MMP-9 genes but not of the MMP-2 gene. Br J Dermatol. May 1998;138(5):757-62.

3.   Graul-Neumann LM, Hausser I, Essayie M, Rauch A, Kraus C. Highly variable cutis laxa resulting from a dominant splicing mutation of the elastin gene. Am J Med Genet A. Apr 15 2008;146A(8):977-83.

4.   Khakoo A, Thomas R, Trompeter R, Duffy P, Price R, Pope FM. Congenital cutis laxa and lysyl oxidase deficiency. Clin Genet. Feb 1997;51(2):109-14.

5.   Emedicine.medscape.com. Cutis laxa, 1074167.

6.   Ting HC, Foo MH, Wang F. Acquired cutis laxa and multiple myeloma. Br J Dermatol. Mar 1984;110(3):363-7.

7.   McCarty MJ, Davidson JM, Cardone JS, Anderson LL. Cutis laxa acquisita associated with multiple myeloma: a case report and review of the literature. Cutis. Apr 1996;57(4):267-70.

8.   Gupta A, Helm TN. Acquired cutis laxa associated with multiple myeloma. Cutis. Feb 2002;69(2):114-8.

 Nguyễn Tiến Thành- Trần Thị Huyền





Facebook
Email: dalieudongdieu@gmail.com
dalieuvietnam@gmail.com

Sơ Đồ Đường Đi

Tìm Kiếm

TỪ ĐIỂN

TÌM HIỂU DA CỦA BẠN

Liên Kết Website



BỘ Y TẾ
BỘ Y TẾ - CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
BV Da liễu trung ương Quy Hòa
BV Da liễu TP.HCM
BV Da liễu Trung Ương
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương

Quảng Cáo

Liên Hệ: 0913.407.557
Quảng cáo
Quảng cáo

FACEBOOK

Số Lượng Truy Cập