BỆNH HỌC

BỆNH LÝ TỰ MIỄN

Hệ miễn dịch của cơ thể, bình thường không có phản ứng chống lại các kháng nguyên của bản thân mình. Đó là hiện tượng dung thứ hay dung nạp miễn dịch. Ngược với dung thứ là hiện tượng tự miễn dịch tức là hệ miễn dịch chống lại kháng nguyên của bản thân cơ thể, đó là cơ sở để xuất hiện các bệnh tự miễn. Hiểu được cơ chế dung thứ là nền tảng quan trọng để hiểu cơ chế bệnh tự  miễn.

1. HIỆN TƯỢNG TỰ MIỄN VÀ BỆNH LÝ TỰ MIỄN

1.1. Hiện tượng tự miễn

Không phải bao giờ tự miễn cũng là bệnh lý. Người ta đã phát hiện được trong cơ thể động vật và người nhiều tự kháng thể không gây ra hiện tượng bệnh lý nào. Đó là những kháng thể chống Idiotip, xuất hiện từ giai đoạn rất sớm của quá trình phát triển cá thể, mà không liên quan tới bất kỳ sự xâm nhập kháng nguyên nào. Muộn hơn, là những kháng thể khác nhau ở mọi lứa tuổi ở động vật cũng như người: kháng thể chống Xitocrom C, Acid Nucleic...Tất cả các loại tự kháng thể nhưng không gây bệnh được gọi là  kháng thể “tự  nhiên” với hàm ý vô hại. Như vậy các trường hợp xuất hiện kháng thể tự miễn mà không gây bệnh gọi là hiện tượng tự miễn hoặc phản ứng tự miễn. Còn lại các trường hợp tự kháng thể xuất hiện mà gây ra các rối loạn bệnh lý cho cơ thể gọi chung là bệnh tự miễn.

1.2. Bệnh tự miễn

Định nghĩa: bệnh tự miễn là một trạng thái bệnh lý xảy ra do sự kết hợp của tự kháng thể với tự kháng nguyên gây ra viêm và dẫn đến tổn thương thực thể, chức năng tại tế bào, mô, hay cơ quan trong cơ thể.

2.  NGUYÊN NHÂN, CƠ CHẾ BỆNH SINH CỦA BỆNH TỰ MIỄN

2.1. Phải có sự kích thích của tự kháng nguyên

Các kháng nguyên này vì lý do nào đó đã không có mặt trong máu ở thời kỳ bào thai, nay xuất hiện sẽ kích thích cơ thể sinh tự kháng thể.

2.2. Do kháng nguyên của cơ thể có cùng cấu trúc với kháng nguyên ngoại lai

Trường hợp này, cơ thể sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên ở ngoài xâm nhập vào thì cũng chống luôn cả kháng nguyên của bản thân.

2.3. Do ảnh hưởng của các yếu tố hoá học, thuốc, vi khuẩn, tia xạ

Các yếu tố trên làm thay đổi cấu trúc, tính chất của kháng nguyên, từ đó kích thích cơ thể tạo ra tự kháng thể chống lại các tế bào, cơ quan mang kháng nguyên đó. Cũng có thể do kháng nguyên xuất hiện thêm một epitop bị một dòng tế bào Limpho T nhận biết (không phải dòng tự phản ứng truyền thống) từ đó kích thích dòng Lympho B đặc trưng sinh tự kháng thể.

2.4. Sự biểu hiện sai lạc của MHC

Bình thường kháng nguyên ngoại lai được đại thực bào trình diện bằng MHC lớp II, còn kháng nguyên bản thân được đại thực bào trình diện bởi MHC lớp I. Có nhiều tác nhân làm tăng sự biểu hiện của MHC lớp II và làm nó xuất hiện ở các tế bào khác ngoài đại thực bào. Ví dụ: do Virus thông qua sự sản xuất Interferon. Từ đó kháng nguyên nội sinh bị hệ miễn dịch chống lại tức là cơ thể sinh ra tự kháng thể.

2.5. Vai trò của di truyền

- Sự liên quan tới huyết thống.

Qua kết quả điều tra cho thấy nếu cha hoặc mẹ bị Lupus ban đỏ thì thế hệ con có tần suất mắc bệnh gấp đôi quần thể nói chung. Bệnh này nếu gặp ở anh, chị em sinh đôi thì số người cùng cặp đồng hợp tử cũng mắc là 63%. Nếu là dị hợp tử thì chỉ là 10%. Như vậy tính chất gia đình, bẩm sinh đã được thừa nhận.

- Vai trò của MHC lớp II.

MHC lớp II có liên quan tới bệnh tự miễn, điều đó nói lên sự liên quan về cấu trúc gen học giữa các bệnh tự miễn. Nếu MHC lớp II là dị hợp tử thì dễ dàng trình diện tự kháng nguyên để sinh ra bệnh tự miễn.

2.6. Các tác nhân khác

- Vai trò của môi trường và dinh dưỡng:

- Vai trò của thuốc.

- Vai trò của tia tử ngoại, tia xạ.

- Vai trò của Virus, vi khuẩn.

- Vai trò của Hormon.

Những tác nhân trên có ảnh hưởng đến sự xuất hiện nhanh hay chậm của bệnh tự miễn, cũng có khi là yếu tố làm cho sự tiến triển của bệnh tự miễn nặng hơn hay nhẹ đi.

3.  XẾP LOẠI BỆNH TỰ MIỄN

3.1 Những bệnh không đặc hiệu cơ quan (bệnh hệ thống)

-  Đặc điểm là những bệnh có nhiều loại tự kháng thể.

+ Kháng thể chống ADN

+ Kháng thể chống Desoxyribonucleicprotein

+ Kháng thể chống các thành phần khác trong nhân tế bào.

- Biểu hiện bệnh lý ở nhiều cơ quan, bộ phận khác nhau trong cơ thể. Điển hình là bệnh Lupus ban đỏ rải rác, với các yếu tố bị chống là các kháng nguyên của nhân tế bào. Bệnh thường thể hiện ở khớp, thận, da, gan, phổi.

- Bệnh chủ yếu biểu hiện ở nữ giới. Sự hoạt động của buồng trứng làm cho bệnh nặng lên rõ rệt đặc biệt ở tuổi sinh đẻ, nhất là khi mang thai hoặc sau đẻ.

- Tổn thương của bệnh: Do sự lắng đọng của phức hợp miễn dịch. Phức hợp này đặc biệt có ái tính với thận, nhưng vẫn có thể lắng đọng ở nhiều nơi khác trong cơ thể như khớp,  gan ...nhưng với tỷ lệ thấp hơn. Sự hoạt hoá bổ thể và sự phóng thích các hoạt chất của bạch cầu trung tính là tác nhân gây tổn thương chủ yếu.

- Kháng thể gồm nhiều loại; loại chống phân tử ADN xoắn kép, loại chống các thành phần khác trong nhân, loại chống desoxyribonucleicprotein.

- Kháng nguyên protein rubonuclear bị tự kháng thể chống trong nhiều bệnh tự miễn khác như  sơ cứng bì, nhiễm collagen...

- Kháng nguyên Smith (viết tắt là Sn).

- Yếu tố cảm ứng là những yếu tố ngoại cảnh làm bệnh xuất hiện sớm, hoặc diễn biến nhanh. Có thể gặp do thay đổi khí hậu, môi trường, hoá chất ... đặc biệt đã thống kê được hàng chục loại hoá chất và thuốc có vai trò cảm ứng bệnh.

3.2. Những bệnh đặc hiệu cơ quan

- Đặc điểm: bệnh chỉ phát hiện một loại tự kháng thể đặc hiệu với kháng nguyên có tại cơ quan ấy.

- Biểu hiện bệnh lý rõ ràng ở một cơ quan nào đó trong cơ thể.  Ví dụ: Thiếu máu tan huyết tự miễn. Biểu hiện chung là thiếu máu do huỷ hồng cầu trong cơ thể vì kháng thể tự miễn chống hồng cầu. Những khác biệt giữa các thể là cấp tính hay mạn tính. Hồng cầu bị huỷ trong lòng mạch hay ở ngoài như lách, gan, mô liên võng và kháng thể là loại phản ứng ở nhiệt độ thấp 40C hay cao trên 300C.

- Cách phân loại khác như tan huyết tự  miễn nguyên phát khi không tìm được các tác nhân cảm ứng hay tan huyết thứ phát nếu là do cảm ứng với nhiễm khuẩn, do thuốc và hoá chất.

- Giảm tiểu cầu tự miễn là bệnh có biểu hiện bằng giảm số lượng tiểu cầu trong máu, từ đó xuất hiện những nốt xuất  huyết. Kháng thể phát hiện được là IgG và IgM khi bám lên bề mặt tiểu cầu có thể gây ngưng kết và làm tan tiểu cầu thông qua hoạt hoá bổ thể. Cơ chế chủ yếu là tiểu cầu sau khi bị kháng thể kết hợp thì bị bắt giữ và bị thực bào ở lách.

- Giảm bạch cầu do kháng thể tự miễn. Trường hợp này ít gặp, do kháng thể chống bạch cầu đơn thuần và thường kết hợp với  giảm hồng cầu, tiểu cầu.

4. CƠ CHẾ CỦA NHỮNG TỔN THƯƠNG TRONG BỆNH TỰ MIỄN

4.1. Vai trò của kháng thể dịch thể

- Do tự kháng thể tấn công các tế bào mang tự kháng nguyên đặc hiệu gây hoạt hoá bổ thể, phá vỡ màng tế bào mang kháng nguyên. Gặp trong bệnh tự miễn tan huỷ hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu.

- Do sự lắng đọng của phức hợp miễn dịch. Khi phức hợp miễn dịch này lắng đọng ở đâu thì gây viêm tại chỗ. Phức hợp này thường lắng đọng ở màng cơ bản của thận, phổi ,da gây viêm cầu thận, viêm phế quản, viêm da.

4.2. Vai trò của tế bào Limpho T tự phản ứng

Mặc dù chưa có bằng chứng để trực tiếp nói lên cơ chế bệnh sinh của tế bào Limpho T  trong bệnh tự miễn . Nhưng những phát hiện qua nghiên cứu cho thấy:

- Ở những ổ tổn thương có những tế bào TCD4 tự phản ứng và gián tiếp cho thấy sự có mặt của các Interleukin khác nhau, đồng thời thấy sự hoạt động mất cân bằng giữa các dưới nhóm Th1 và Th2.

Từ đó kết luận tự kháng nguyên hay những tế bào mang tự kháng nguyên bị trực tiếp hay gián tiếp huỷ hoại bởi tế bào Limpho T tự phản ứng, có hay không có sự tham gia của bổ thể nhưng cuối cùng cũng tạo nên một ổ viêm đặc hiệu vì có sự thâm nhiễm của các tế bào như đại thực bào, tế bào NK và các Cytokin khác nhau.

Tế bào Limpho T tự phản ứng tức là chống lại các tự kháng nguyên gặp ở một số các bệnh tự miễn như viêm teo dạ dày đưa đến tình trạng thiếu máu do thiếu Vitamin B12 hoặc bệnh viêm gan tự miễn, viêm não tự miễn ...

4.3. Cơ chế khuếch đại

Sự khuếch đại các tổn thương trong bệnh tự miễn cũng tương tự như trong bệnh quá mẫn. Tổn thương nguyên phát do kháng thể, phức hợp miễn dịch hay tế bào Limpho T tự phản ứng có thể được mở rộng bằng vai trò của bổ thể, các enzyme huỷ hoại của bạch cầu hạt trung tính, các Limphokin.

Th.s B.s Lâm Văn Tiên

(Giảng viên chính ĐH Y Dược Thái Nguyên)

 





Facebook
Email: dalieudongdieu@gmail.com
dalieuvietnam@gmail.com

Sơ Đồ Đường Đi

Tìm Kiếm

TỪ ĐIỂN

TÌM HIỂU DA CỦA BẠN

Liên Kết Website



BỘ Y TẾ
BỘ Y TẾ - CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
BV Da liễu trung ương Quy Hòa
BV Da liễu TP.HCM
BV Da liễu Trung Ương
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương

Quảng Cáo

Liên Hệ: 0913.407.557
Quảng cáo
Quảng cáo

FACEBOOK

Số Lượng Truy Cập