BỆNH HỌC

BỆNH LUPUT BAN ĐỎ

 

Trong những năm gần đây, dựa trên những nghiên cứu về căn sinh bệnh học, thương tổn cơ bản, tiến triển lâm sàng… người ta chia Luput ban đỏ thành 2 thể chính là: Luput ban đỏ dạng đĩa kinh diễn và Luput ban đỏ hệ thống.

LUPUT BAN ĐỎ DẠNG KINH

Đây là thể nhẹ của Luput ban đỏ. Bệnh chỉ có thương tổn ở da, không có thương tổn nội tạng. Cho đến nay người ta vẫn chưa hiểu rõ hoàn toàn căn sinh bệnh học của Luput thể này. Tuy nhiên, nhiều yếu tố có liên quan đến bệnh đã được đề cập như: di truyền, ánh nắng mặt trời, nhiễm khuẩn và đặc biệt là rối loạn miễn dịch tại chỗ. Tuy nhiên, vì không tìm thấy kháng thể kháng nhân trong huyết thanh, hơn nữa nồng độ bổ thể trong máu vẫn bình thường nên người ta cho rằng cơ chế bệnh sinh của Luput đỏ dạng đĩa và Luput đỏ hệ thống là khác nhau. Mặc dù vậy, theo một số nhà nghiên cứu, có khoảng 1 – 3% bệnh nhân bị Luput ban đỏ dạng đĩa kinh diễn trong quá trình tiến triển có thể chuyển thành Luput ban đỏ hệ thống.

BIỂU HIỆN LÂM SÀNG

Thương tổn da điển hình và hay gặp là các dát đỏ có vẩy dính khu trú ở những vùng hở như mặt, cổ, bàn tay… Các thương tổn này rất nhạy cảm với ánh nắng nên thường xuất hiện vào mùa hè.

Các thương tổn tiến triển lâu dài gây teo ở giữa (trông giống như các đĩa nên gọi là “dạng đĩa”). Một số thương tổn có thể quá sản phì đại.

ĐIỀU TRỊ

Tại chỗ: bôi các thuốc có cocticoid như eumovate, diprosalic hoặc dermovate.

Toàn thân: các thuốc chống sốt rét có tác dụng rất tốt, song phải điều trị lâu dài nên cần phải theo dõi thị lực ít nhất 3 tháng/lần.

LUPUT BAN ĐỎ HỆ THỐNG

Luput đỏ hệ thống là một trong các bệnh tự miễn rất hay gặp ở phụ nữ trẻ tuổi. Bệnh gây thương tổn nhiều cơ quan nội tạng như: da, niêm mạc, gan, thận, khớp, tim, phổi, thần kinh…

Căn sinh bệnh học của Luput đỏ hệ thống rất phức tạp, do nhiều yếu tố tham gia. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hai yếu tố chính, quan trọng nhất được cho là có liên quan trực tiếp đến bệnh là di truyền và rối loạn miễn dịch. Ngoài ra một số yếu tố khác có ảnh hưởng, làm xuất hiện hoặc làm bệnh nặng thêm, đó là: nội tiết, ánh nắng, nhiễm trùng. Một số thuốc như: hydralazine, isoniazide, sulfonamide, phenitoin, penicillamine có thể gây bệnh giống như Luput nên dễ chẩn đoán nhầm với Luput thực sự. Các thuốc tránh thai cũng có vai trò trong việc khởi động hay làm bệnh nặng thêm.

TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

Biểu hiện toàn thân:  Trong giai đoạn tiến triển, bệnh nhân luôn có cảm giác mệt mỏi, chán ăn, gầy sút, sốt vừa phải.

Thương tổn da và niêm mạc: thường biểu hiện đầu tiên với các ban đỏ hình cánh bướm ở hai bên má. Các ban này rất nhạy cảm với ánh nắng. Sau một thời gian tiến triển, các thương tổn lan ra tay, chân, thân mình. Ngoài ra, các bọng nước, dát xuất huyết cũng có thể  xuất hiện. Niêm mạc miệng, hầu, họng loét nhưng không đau. Tóc vàng, khô, dễ gãy và rụng nhiều. Tuy nhiên, tóc có thể mọc lại khi lui bệnh.

Thương tổn nội tạng: rối loạn chức năng gan, thận, tiêu hóa. Có thể có viêm cơ tim, màng tim gây suy tim. Viêm phổi, màng phổi cũng hay gặp và có thể gây suy hô hấp.

Viêm khớp là một biểu hiện rất hay gặp làm cho bệnh nhân khó vận động và đi lại. Ngoài ra, có thiếu máu, có thể giảm cả 3 dạng: hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.

Một số bệnh nhân có biểu hiện rối loạn phương hướng, tri giác, trí nhớ. Đôi khi có đau đầu dữ dội. Các triệu chứng tâm thần kinh có thể nặng thêm trong trường hợp dùng corticoid liều cao kéo dài.

ĐIỀU TRỊ BỆNH VÀ THEO DÕI

Cần có một phác đồ điều trị đúng đắn tùy theo từng giai đoạn bệnh, đặc biệt phải duy trì chế độ thuốc và chế độ sinh hoạt, làm việc hợp lý kể cả khi bệnh đã ổn định.

Điều trị tại chỗ: Bôi các thuốc mỡ có cocticoid như eumovate, beprosalic, dermovate… Những bệnh nhân có hội chứng Raynaud cần có chế độ điều trị đặc biệt.

Điều trị toàn thân: Cocticoid vẫn là thuốc hàng đầu để điều trị Luput đỏ hệ thống. Liều lượng phải tùy theo từng giai đoạn bệnh. Tùy theo sự cải thiện  bệnh, có thể cứ 1-2 tuần giảm liều 10mg.

 Một số thuốc ức chế miễn dịch khác cũng được sử dụng và rất có hiệu quả như: azathioprin, cyclosporin, mycophenolate mofetil… Tuy nhiên khi sử dụng cần thận trọng vì có nhiều tác dụng không mong muốn. Cần được khám bệnh, có chỉ định điều trị và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Trong những năm gần đây, một số chất sinh học như: Inlicimab, Etanercept... cũng được sử dụng để điều trị Luput đỏ hệ thống và cho kết quả rất khả quan.

Một điều quan trọng cần lưu ý là phải điều trị các biến chứng nếu có.

LUPUT BAN ĐỎ HỆ THỐNG Ở PHỤ NỮ CÓ THAI

Phụ nữ bị Luput đỏ hệ thống cũng có thể mang thai và sinh con. Tuy nhiên, vì đây là bệnh hệ thống, tiến triển lâu dài và có thể nguy hiểm cho tính mạng nên cần phải được cân nhắc, tư vấn rất cẩn thận trước khi quyết định có thai.

Lý tưởng nhất là 6 tháng trước khi mang thai cần điều trị bệnh ổn định, không còn các triệu chứng ở các cơ quan nội tạng nữa. Trong thời kỳ mang thai, bệnh có thể tiến triển nặng lên, vì vậy bệnh nhân phải được theo dõi, điều trị nội trú trong các bệnh viện chuyên khoa để tránh các biến chứng cho cả mẹ và thai nhi. 

TS. Trần Hậu Khang

(Viện Da liễu Quốc gia)

 





Facebook
Email: dalieudongdieu@gmail.com
dalieuvietnam@gmail.com

Sơ Đồ Đường Đi

Tìm Kiếm

TỪ ĐIỂN

TÌM HIỂU DA CỦA BẠN

Liên Kết Website



BỘ Y TẾ
BỘ Y TẾ - CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
BV Da liễu trung ương Quy Hòa
BV Da liễu TP.HCM
BV Da liễu Trung Ương
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương

Quảng Cáo

Liên Hệ: 0913.407.557
Quảng cáo
Quảng cáo

FACEBOOK

Số Lượng Truy Cập