BỆNH HỌC

PHÙ QUINCKE  

1. Định nghĩa:

Phù Quincke đặc trưng bởi tình trạng sưng nề đột ngột và rõ rệt ở vùng hạ bì và dưới da, có cảm giác ngứa hoặc đôi khi đau nhức, thường liên quan đến các vùng niêm mạc và bán niêm mạc và thường tồn tại trong vòng 72 giờ (Hội Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng - Châu Âu 2006)

2. Chẩn đoán:

2.1. Các công việc chẩn đoán

2.1.1. Hỏi bệnh

- Khoảng thời gian từ lúc xuất hiện triệu chứng cho đến khi thăm khám.

- Các yếu tố lạ đã tiếp xúc trước khi xuất hiện triệu chứng : thuốc, thức ăn, phấn hoa, lông súc vật, hoá chất, côn trùng đốt ...

- Đặc điểm của tổn thương phù nề: vị trí (môi, mi mắt, bộ phận sinh dục, trên da...), màu sắc, tính chất gây ngứa hay căng đau. Các triệu chứng của phù nề đường hô hấp như­ khó thở, khó nuốt, khản giọng, thở rít (nếu không được chứng kiến tổn thương tại thời điểm khám).

- Tần xuất xuất hiện và thời gian tồn tại của mỗi tổn thương đơn lẻ

- Thời điểm thường xuất hiện triệu chứng trong ngày.

- Các yếu tố làm xuất hiện hoặc tăng nặng triệu chứng như: thay đổi thời tiết, thức ăn tanh, đồ uống có cồn, các yếu tố vật lý như nóng, lạnh, ánh nắng mặt trời, gãi hoặc cọ sát, tì đè...

- Các thuốc đã sử dụng và đáp ứng với các thuốc này.

- Các bệnh lý dị ứng mà người bệnh đã và đang mắc : viêm mũi dị ứng, hen phế quản, dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, viêm kết mạc dị ứng, chàm...

- Các bệnh nội khoa hoặc nhiễm trùng đi kèm, đặc biệt lưu ý tình trạng nhiễm giun sán.

Tiền sử dị ứng của các thành viên trong gia đình : mày đay, phù Quincke, viêm mũi dị ứng, hen phế quản, dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, viêm kết mạc dị ứng, chàm...

2.1.2. Khám lâm sàng

- Khám da, niêm mạc: môi, mắt, lưỡi, lưỡi gà, bộ phận sinh dục, ngoài da... để phát hiện biểu hiện phù nề tại các vị trí này hoặc biểu hiện mày đay đi kèm.

- Khám hô hấp: để phát hiện tình trạng phù nề, co thắt phế quản (khó thở, thở nhanh, nghe phổi có ran rít ran ngáy).

- Khám tai mũi họng để phát hiện tình trạng phù nề họng, thanh quản

- Khám tiêu hoá để phát hiện biểu hiện phù nề đường tiêu hoá như đau bụng, nôn và ỉa chảy.

- Đo mạch, huyết áp để phát hiện tình trạng truỵ tim mạch có thể đi kèm.

2.1.3. Chỉ định xét nghiệm

Công thức máu (bạch cầu ái toan)

Tốc độ máu lắng

CRP

Tổng phân tích nước tiểu

Chức năng thận

Chức năng gan

Điện giải đồ

X quang tim phổi

Điện tâm đồ

Định lượng tryptase

Định lượng C1- INH, C2 và C4 bổ thể

IgE đặc hiệu

Test bì với các dị nguyên

Test kích thích: dựng lại thuốc hoặc thức ăn nghi ngờ là nguyên nhân gây bệnh.

2.2. chẩn đoán xác định

Chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng và khai thác tiền sử của người bệnh

2.3. Chẩn đoán Phân biệt

- Viêm mô tế bào

- Phù do suy tim

- Phù bạch huyết

- Phù do bệnh thận  

- Viêm tắc tĩnh mạch.

- Viêm da cơ

- Mày đay

 

Đặc điểm

Phù quincke

Mày đay

Mô bệnh học

Dưới da: (bề mặt dưới da và dưới niêm mạc) giãn các tiểu tĩnh mạch và mao mạch, phù nề các sợi collagen.

Trên hạ bì và biểu bì: giãn các tiểu tĩnh mạch nhỏ và các mao mạch

Vị trí tổn thương

Da và niêm mạc

Da

Thời gian tồn tại

Kéo dài từ 24 – 48 giờ

Kéo dài dưới 24 giờ

Biểu hiện lâm sàng

 

+        Phù xảy ra dưới bề mặt da

+        Thường không có ngứa, có cảm giác đau khi tiếp xúc

+        Ban đỏ và mày đay ở trên bề mặt da

+        Thường có ngứa nhiều, đôi khi có đau rát

 3. Điều trị

3.1. Điều trị đặc hiệu

- Tránh tiếp xúc hoặc loại bỏ cỏc yếu tố đó được biết gây bệnh hoặc làm nặng bệnh: ngừng dùng thuốc, thức ăn, chuyển chỗ ở, đổi nghề, tránh nóng, lạnh, ánh nắng mặt trời ...

- Cân nhắc điều trị giảm mẫn cảm đặc hiệu nếu không thể loại bỏ được dị nguyên gây bệnh.

3.2. Điều trị triệu chứng

Các nhóm thuốc chủ yếu để kiểm soát triệu chứng gồm: adrenaline (epinephrine), các thuốc kháng histamin và glucocorticoid.

3.2.1. Adrenaline (epinephrine):  

Chỉ định: cho tất cả các trường hợp phù Quincke do cơ chế dị ứng có phù nề đường hô hấp hoặc tụt huyết áp.

Liều dùng: 0,3 – 0,5mg tiêm bắp, nhắc lại sau 15 – 20 phút nếu cần, trường hợp nặng nhắc lại sau 1 - 2 phút. Nếu không đáp ứng, tiêm TM 3 – 5 ml dd adrenalin 1/10.000 hoặc bơm qua màng nhẫn giáp hoặc nội khí quản. Có thể pha loãng 1 ống adrenaline 1mg với 3ml dung dịch muối sinh lý để khí dung trong các trường hợp có phù nề đường hô hấp trên.

3.2.2. Thuốc kháng histamin H1

Chỉ định: tất cả các trường hợp phù Quincke cấp và mạn tính do cơ chế dị ứng

Liều lượng, cách dùng: xem bảng

 

Thuốc

Liều lượng cách dùng

Yêu cầu giảm liều

Thế hệ 1 (gây buồn ngủ)

Chlorpheniramine

NL: 4mg ´ 3-4 lần/ ngày

TE: 0,35 mg/ kg/ 24h

Không

Diphenhydramine

NL: 25-50mg ´ 3-4 lần/ ngày

TE: 5 mg/ kg/ 24h

Suy gan

Doxepin

NL: 25-50mg ´ 3 lần/ ngày

Suy gan

Hydroxyzine

NL: 25-50mg ´ 3 lần/ ngày

TE: 2 mg/ kg/ 24h

Suy gan

Ketotifen

NL: 2mg ´ 2lần/ ngày

TE > 3 tuổi: 1mg ´ 2lần/ ngày

Không

Thế hệ 2 (ít hoặc không gây buồn ngủ)

Acrivastine

NL: 8mg ´ 3 lần/ ngày

Không

Cetirizine

NL và TE > 6 tuổi: 5-10mg 1 lần/ ngày

TE < 6 tuổi: 5mg/ ngày

Suy gan, suy thận

Desloratadine

NL: 5mg 1 lần/ ngày

Suy gan, suy thận

Ebastine

NL: 10-20mg 1 lần/ ngày

Suy gan, suy thận

Fexofenadine

NL: 60mg 2 lần/ ngày hoặc 180mg 1 lần/ ngày

Suy thận

Levocetirizine

NL: 5mg 1 lần/ ngày

Suy gan, suy thận

Loratadine

NL và TE ³ 30 Kg: 10mg 1 lần/ ngày

TE <30 Kg: 5mg/ ngày

Suy gan

Mizolastine

NL: 10mg 1 lần/ ngày

Suy thận

3.2.4. Glucocorticoid:

Chỉ định : trong các trường hợp phù Quincke cấp và mạn tính để giảm triệu chứng và dự phòng triệu chứng tái lại.

Liều lượng, cách dùng: nên dùng liều trung bình, một đợt ngắn ngày để hạn chế tác dụng phụ. Có thể dùng prednisone hoặc prednisolone hoặc methylprednisolone uống 40 – 60 mg/ngày (ở người lớn) hoặc 1mg/kg/ngày (ở trẻ em) trong 5 -7 ngày.

3.2.4. Các biện pháp điều trị khác:

Đặt nội khí quản hoặc mở khí quản nếu tình trạng phù nề đường hô hấp gây đe doạ tính mạng người bệnh và không đáp ứng với thuốc đơn thuần.

Dùng thuốc giảm đau, giãn cơ trong các trường hợp có đau bụng do phù nề, co thắt ở ống tiêu hoá.

4. Các chỉ số cần theo dõi

Tình trạng lâm sàng

Công thức máu (số lượng BC ái toan)

Tốc độ máu lắng

Nồng độ men tryptase

Nồng độ kháng thể IgE đặc hiệu

5. Hẹn tái khám

Phù Quincke cấp: sau 3-5 ngày

Phù Quincke mạn tính: sau 2- 4 tuần

 

Tài liệu tham khảo:

1.     Joyce M. Mitchell - Savinsky. ( 2001 ). ‘Angioedema’, The clinical practice of Emergency Medicine, Chapter 218, pp. 1057 – 1062.

2.     Kaplan AP. ( 1998 ). ‘Urticaria and Angioedema’, Allergy : principles and practice, Fifth Edition, Mosby, Volume Two, 1104 – 1118.

3.     Saltoun Carol A and Metzger James W. ( 2002 ). ‘Urticaria, Angioedema, and Hereditary Angioedema’, Patterson’s Allergic Deseases, Sixth Edition, Lippincott Williams and Wilkins, pp. 239 – 254.

4.     Powell R. J., Du Toit G. L., Siddiqu N., et al (2007).BSACI guidelines for the management of chronic urticaria and angio-oedema. Clin Exp Allergy, 37, pp. 631–650

5.     Kaplan A. P., Greaves M. W. (2005). Angiooedema. J Am Acad Dermatol 53, pp. 373-88.

6.     Zuberbier T., Bindslev-Jensen C., Canonica W, et al (2006). EAACI/GA2LEN/EDF guideline: definition, classification and diagnosis of urticaria. Allergy 61, pp. 316–320.

7.     Zuberbier T., Bindslev-Jensen C., Canonica W, et al (2006). EAACI/GA2LEN/EDF guideline: management of urticaria. Allergy 61, pp. 321–331.

(Theo http://diungmiendich.com.vn)

 





Facebook
Email: dalieudongdieu@gmail.com
dalieuvietnam@gmail.com

Sơ Đồ Đường Đi

Tìm Kiếm

TỪ ĐIỂN

TÌM HIỂU DA CỦA BẠN

Liên Kết Website



BỘ Y TẾ
BỘ Y TẾ - CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
BV Da liễu trung ương Quy Hòa
BV Da liễu TP.HCM
BV Da liễu Trung Ương
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương

Quảng Cáo

Liên Hệ: 0913.407.557
Quảng cáo
Quảng cáo

FACEBOOK

Số Lượng Truy Cập