BỆNH HỌC

Hầu như tất cả bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đều có biểu hiện bệnh lý ngoài da trong quá trình diễn tiến của bệnh. Trong một số trường hợp, nhiễm HIV có thể được chẩn đoán sớm nhờ vào các triệu chứng ngoài da. Các biểu hiện da thường gặp của HIV gồm: nhiễm trùng, bệnh lý ác tính, sự bùng phát các bệnh da hiện có hay tác dụng phụ của thuốc kháng virus.

Nhiễm nấm candida ở miệng, lưỡi lan đến thực quản là một trong những đặc điểm của bệnh nhiễm HIV/AIDS.

  

Một số bệnh như Kaposi sarcoma, viêm nang lông bạch cầu ái toan hay herpes zoster tái phát có thể là đặc trưng của bệnh nhiễm HIV/AIDS. Kaposi sarcoma là một dạng ung thư thường biểu hiện bởi nhiều nốt mạch máu ngoài da và các cơ quan khác. Kaposi sarcoma ngoài da thường bắt đầu ở các chi dưới với những đốm, mảng rời rạc màu đỏ hay tím; sau phát triển thành các nốt mềm xốp, đối xứng 2 bên. Kaposi sarcoma cũng có thể khởi phát ở niêm mạc miệng, hạch bạch huyết và/hoặc nội tạng mà không có biểu hiện ngoài da.

Có 3 dạng Kaposi sarcoma (nốt khu trú, xâm lấn tại chỗ, Kaposi sarcoma toàn thể) và 6 giai đoạn (đốm, mảng, nốt, phồng, tẩm nhuận và hạch) với các triệu chứng rất thay đổi: từ không đau, chỉ có triệu chứng ngoài da, đến kịch phát với triệu chứng liên quan nhiều cơ quan nội tạng.     

Bệnh nhân nam 30 tuổi nhiễm HIV, bị thuỷ đậu do varicella zoster virus gây ra được 5 ngày. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em và có thể diễn tiến tự khỏi. Nhiều năm sau trong đời, khi bị suy giảm hệ miễn dịch, bệnh sẽ phát triển dưới dạng Zona. Việc chủng ngừa thuỷ đậu có thể làm giảm tần suất lưu hành của virus. Khi thuỷ đậu xuất hiện ở bệnh nhân lớn tuổi, có thể nghi ngờ đến các nguyên nhân gây suy giảm hệ miễn dịch, trong đó có HIV.

Trẻ em bị Herpes zoster (Zona) luôn luôn phải được nghi ngờ nhiễm HIV/AIDS.

Người mẹ của em bé này được xét nghiệm chẩn đoán HIV (+) sau khi phát hiện đứa con bà bị Zona. Ở một số quốc gia, nhiều phụ nữ mang thai không được xét nghiệm HIV hoặc chỉ sanh đẻ tại nhà như mẹ em bé này. 

Virus herpes simplex (HSV1 hay HSV2) tái hoạt là một trong những biểu hiện ở miệng thường gặp nhất của bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, đôi khi triệu chứng còn xuất hiện ở vùng hậu môn sinh dục. Do tình trạng suy giảm miễn dịch ngày càng gia tăng, sang thương do  herpes simplex virus tái hoạt có thể bị lở loét trầm trọng như ở bệnh nhân này, có số tế bào CD4<50. Chẩn đoán phân biệt với bệnh lý nhiễm vi nấm candida.

U mềm lây (molluscum contagiosum) gây ra do  DNA poxvirus với sang thương là các sẩn hay nốt như ngọc trai, lõm ở giữa (mũi tên). Mặc dù tần suất của u mềm lây ở người nhiễm HIV/AIDS chưa được xác định rõ nhưng các thống kê ban đầu ước lượng khoảng 5% - 8% bệnh nhân có HIV(+)  không được điều trị đều có triệu chứng u mềm lây ở một giai đoạn nào đó trong quá trình tiến triển bệnh.

Vết loét không đau, hay hạ cam giang mai (mũi tên),  là dấu hiệu của bệnh giang mai sớm. Bệnh giang mai ngày càng gia tăng từ khi có sự xuất hiện của HIV; các vết loét sinh dục bao gồm cả các hạ cam giang mai là yếu tố cộng hưởng cho sự truyền tải HIV. Bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS không được điều trị sẽ làm gia tăng nguy cơ tiến triển của giang mai thần kinh và các biến chứng. Ngoài ra, bệnh nhân nhiễm HIV còn có nguy cơ cao hơn cho sự phát triển hoặc tái phát triệu chứng giang mai thần kinh sớm trong 2 năm sau khi điều trị bằng penicillin.

Bệnh nhân này nhiễm HIV/AIDS và xuất hiện nhiều nốt, sẩn đỏ khắp cơ thể do mắc bệnh giang mai thời kỳ II. Bệnh giang mai có thể trở thành một bệnh hệ thống và phát triển như giang mai II & III, xuất hiện như các dát và sẩn hình tròn hay bầu dục, được chẩn đoán xác định bằng các xét nghiệm VDRL và TPHA. Chẩn đoán phân biệt với phát ban do thuốc, vẩy phấn hồng, phát ban do virus, nhiễm bạch cầu đơn nhân, nấm thân, u hạt vành, vẩy nến giọt và sùi mào gà.

Bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS này bị giang mai thời kỳ II với sang thương da ở lòng bàn tay dạng vẩy nến, không ngứa, xét nghiệm VDRL(+), TPHA(+). Điều trị với penicillin tác dụng chậm đã xoá sạch thương tổn. Bệnh nhân cần được hướng dẫn nhận thức rằng các bệnh lây truyền qua đường tình dục dễ bị lây nhiễm, dễ kịch phát và dễ kháng trị khi bệnh nhân cùng lúc có nhiễm HIV.

Sang thương nhiều mụn mủ dạng tổ ong (kerion) là một bệnh ở da đầu do nhiễm vi nấm (tinea capitis) nghiêm trọng. Kerion là một ổ da dầy, viêm chứa đầy mủ do nhiễm vi nấm ở tóc và da đầu, thường xảy ra ở trẻ em. Người lớn có kerion do nhiễm vi nấm da đầu có thể do tình trạng suy yếu hệ miễn dịch, trong đó có nhiễm HIV/AIDS. 

Bong tróc lớp sừng lỗ chỗ (pitted keratolysis) ở lòng bàn chân là một tình trạng nhiễm trùng cơ hội khác có thể xảy ra ở bệnh nhân HIV/AIDS.  Đây là một bệnh ngoài da biểu hiện đặc trưng bởi các đốm lỗ chỗ giống hình miệng núi lửa, xuất hiện chủ yếu ở vị trí chịu lực của bàn chân, đôi khi ở lòng bàn tay, do bị nhiễm vi khuẩn ở bề mặt da. Vị trí bị  pitted keratolysis có thể có mùi hôi, nhầy nhụa, ngứa, tăng tiết mồ hôi, đau nhưng cũng có thể không có triệu chứng gì.

Phần trên thân mình của một bệnh nhân nam 49 tuổi, bị nhiễm HIV-1, xuất hiện nhiều sang thương dát sẩn màu đỏ hơi tím và ngứa nhiều. Sự bùng phát sẩn ngứa là một biểu hiện ngoài da thường gặp của những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Vùng đầu, cổ và phần trên của thân mình có những sẩn nhỏ màu đỏ hoặc màu da bình thường, rất ngứa, chưa rõ nguyên nhân. Người ta nhận thấy khoảng 80% bệnh nhân HIV/AIDS có tình trạng suy giảm miễn dịch tiến triển mạnh khi có sự bùng phát các sẩn ngứa như trên.  

Bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS này bùng phát nhiều sang thương vẩy nến khi lượng tế bào CD4 xuống thấp, còn 118. Đặc điểm lâm sàng của sang thương vẩy nến ở bệnh nhân HIV/AIDS là khởi phát đột ngột, dạng vẩy nến mủ, loạn dưỡng móng nặng, rất thường đau khớp và dầy sừng lòng bàn tay bàn chân. Nhiều bệnh nhân xuất hiện sang thương vẩy nến vào thời điểm chẩn đoán xác định HIV(+) hay muộn hơn về sau cho thấy có thể HIV có ảnh hưởng trực tiếp đến sự khởi phát vẩy nến. Những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS bị suy giảm miễn dịch nặng (lượng tế bào CD4<200/Μl) có nguy cơ mắc bệnh vẩy nến cao gấp 9 lần hơn so với các trường hợp khác.  

Bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS này bị nổi phát ban toàn thân 14 ngày sau khi bắt đầu điều trị với nevirapine. Việc điều trị với thuốc kháng virus có hoạt tính cao đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và tuổi thọ cho các bệnh nhân HIV/AIDS. Tuy nhiên, liệu pháp kháng virus cũng được biết có nhiều tác dụng phụ trong đó phát ban là triệu chứng phổ biến nhất kết hợp với men nonnucleoside reverse transcriptase inhibitors (NNRTIs), thường phát triển trong vòng vài tuần điều trị đầu tiên. Bệnh nhân này được chuyển sang dùng  efavirenz, một loại NNRTI khác.

Zidovudine hay Azidothymidine có thể làm cho móng tay có màu xanh đen (mũi tên) cũng như ức chế tuỷ xương gây thiếu máu nặng. Hầu hết các bệnh nhân HIV/AIDS dùng enfuvirtide, một hỗn hợp ức chế, đều bị phản ứng ở vị trí chích thuốc. Các biểu hiện bao gồm những nốt dưới da, hồng ban ngứa, đau và xuất huyết. Phát ban cũng được báo cáo là một dạng tác dụng phụ của maraviroc, một chemokine receptor antagonist.

Bệnh nhân HIV/AIDS  này bị teo mô mỡ mặt - facial lipoatrophy (mũi tên) sau khi bắt đầu dùng thuốc kháng retrovirus. Sự rối loạn phân phối chất béo trong cơ thể là một biến chứng đã được công nhận của tình trạng nhiễm HIV/AIDS và liệu pháp kháng retrovirus.

Teo mô mỡ thường thấy ở mặt, 2 tay, 2 chân và/hoặc 2 mông. Ngoài ra, bệnh nhân HIV/AIDS còn có các thay đổi tích luỹ chất béo (lipohypertrophy) thể hiện qua vòng bụng phình to do sự tích tụ mỡ, 2 vú to (gynecomastia) ở cả nam và nữ, cổ nở lớn, bướu trâu “buffalo hump” ở lưng.

Bệnh nhân HIV/AIDS này có nhiều u mỡ màu vàng (xanthomas)- mũi tên- phát triển trong quá trình điều trị với lamivudine, stavudine  nevirapine phối hợp. Xanthomas là một hình thức khác của sự phân phối lại chất béo dưới dạng các tổn thương đặc trưng bởi sự tích tụ các đại thực bào đầy lipid.  Xanthomas có thể phát triển do sự xáo trộn biến dưỡng lipid hệ thống. Biến chứng rối loạn chuyển hoá thường xảy ra ở những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ức chế protease và là một cân nhắc quan trọng khi lựa chọn điều trị kháng retrovirus. Rối loạn biền dưỡng lipid máu phát triển đến 70% số bệnh nhân được dùng thuốc ức chế protease và thường phải cần điều trị hạ lipid máu.

 

BÁC SĨ  LÊ ĐỨC THỌ
BV HOÀN MỸ TP. HỒ CHÍ MINH





Facebook
Email: dalieudongdieu@gmail.com
dalieuvietnam@gmail.com

Sơ Đồ Đường Đi

Tìm Kiếm

TỪ ĐIỂN

TÌM HIỂU DA CỦA BẠN

Liên Kết Website



BỘ Y TẾ
BỘ Y TẾ - CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
BV Da liễu trung ương Quy Hòa
BV Da liễu TP.HCM
BV Da liễu Trung Ương
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương

Quảng Cáo

Liên Hệ: 0913.407.557
Quảng cáo
Quảng cáo

FACEBOOK

Số Lượng Truy Cập