BỆNH HỌC

 

BỆNH DARIER

1.1. Đại cương về nhóm bệnh ly gai

 Rối loạn ly gai là nhóm bệnh được đặc trưng bởi sự mất các liên kết giữa các tế bào lớp thượng bì, bao gồm bệnh Darier, bệnh Hailey-Hailey, bệnh Grover và Dày sừng đầu chi dạng hạt cơm (Acrokeratosis Verruciformis – AKV, of Hopf).

Người ta đã tìm ra rằng, những thiếu sót trong gen mã hóa cho bơm Canxi ở lưới nội sinh chất và thể Golgi đóng vai trò chính trong cơ chế bệnh sinh của bệnh Darier và bệnh Hailey-Hailey. Những phát hiện này đã cho thấy vai trò quan trọng của bơm Canxi trong quá trình kết dính và biệt hóa của tế bào sừng. Bớt ly gai dị sừng thượng bì (acantholytic dyskeratotic epidermal nevi) hay bệnh Darier thành dải và  Dày sừng đầu chi dạng hạt cơm là những thể lâm sàng đặc biệt của bệnh Darier.

Bên cạnh các bệnh lý liên quan sự biến đổi gen như trên, cơ chế của bệnh Grover chưa được biết rõ ràng.

1.2.  Bệnh Darier

Bệnh Darier còn được gọi là bệnh Darier – White hay Dị sừng/loạn sừng nang lông, được mô tả lần đầu tiên năm 1889, bởi Jean Darier, bác sỹ Da liễu người Pháp và James White, bác sỹ Da liễu người Mỹ.

Bệnh di truyền trội trên nhiễm sắc thể (NST) thường và là bệnh hiếm gặp.

* Dịch tễ học

Tỉ lệ gặp người mang bệnh là 1/26.300 ở Slovakia, 1/36.000 ở Đông Bắc Anh, 1/30.000 ở Scotland và 1/100.000 ở Đan Mạch. Ở Việt Nam, chưa có báo cáo nào về tỉ lệ gặp bệnh nhân Darier. Bệnh gặp ở cả nam và nữa với tỉ lệ ngang nhau, ở tất cả các chủng tộc. Tuổi khởi phát của bệnh thường xung quanh lứa tuổi dậy thì (6-20 tuổi). Tuy nhiên, y văn đã ghi nhận, trường hợp phát bệnh sớm nhất ở bệnh nhân 4 tuổi và muộn nhất ở bệnh nhân 70 tuổi. Bệnh Darier thường gây các hậu quả tại chỗ như đau, ngứa, tăng nhạy cảm với các tác nhân virus, vi khuẩn trên da dẫn đến bội nhiễm. Đặc biệt, mùi hôi thối của tổn thương và ảnh hưởng về ngoại hình gây không ít hậu quả về tâm lý cho bệnh nhân. Tuy nhiên, tuổi thọ của bệnh nhân Darier không có sự khác biệt so với quần thể dân số nói chung.

* Cơ chế bệnh sinh

Gen ATP2A2 là một gen nằm trên băng 23-24, nhánh dài của nhiễm sắc thể số 12, mã hóa cho đồng phân số 2 enzym Ca ATPase của lưới nội sinh chất trong tế bào (sarco/endoplasmic reticulum Ca2+ adenosin triphosphatase isoform 2 hay SERCA2). Enzym này giúp duy trì hoạt động của bơm Canxi, vận chuyển Canxi từ nội bào vào lưới nội sinh chất. Như vậy, SERCA2 đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nồng độ Canxi trong và ngoài tế bào. Trên 130 đột biến gen ATP2A2 liên quan đến bệnh Darier đã được biết đến.

Nồng độ Canxi ngoại bào đóng góp vai trò lớn trong quá trình kết dính, biệt hóa của các tế bào sừng của thượng bì. Trong khi đó, nồng độ Canxi nội bào tham gia hoạt hóa Calmodulin, là một protein gắn Canxi đóng vai trò chủ đạo trong quá trình dịch mã gen. Từ đó, giúp hoạt hóa các Calcineurin photphatase và Protein kinase phụ thuộc Calmodulin là 2 họ enzym tham gia vào quá trình điều hòa sự phân chia và biệt hóa tế bào.

 Ngoài ra, Ca cần cho sự lắp ráp desmosome, sự kết dính tế bào và trùng hợp các sợi actin. Hơn nữa, Ca tham gia vào điều hòa quá trình phiên mã của một loạt các gen liên quan đến sự kết dính tế bào và biệt hóa của thượng bì.

Như vậy, đột biến gen ATP2A2 gây ra hiện tượng ly gai thông qua sự mất cân bằng nồng độ Canxi trong và ngoài tế bào.

danien_FILEminimizer

Vai trò của SERCA trong việc duy trì nồng độ Canxi trong và ngoài tế bào

* Đặc điểm lâm sàng và mô bệnh học

Đa số bệnh nhân có tiền sử (TS) gia đình (có người bị bệnh, di truyền trội NST thường). Một số bệnh nhân không có TS gia đình rõ ràng (đột biến mới phát sinh hoặc có người trong gia đình mắc bệnh ở mức độ nhẹ mà không được phát hiện)

Tổn thương da là các sẩn dày sừng, trên có vảy sừng, váng dầu, màu da hoặc vàng nâu  hay nâu, cứng, xù xì thô ráp “như giấy nhám”. Vị trí thường gặp là vùng da dầu (mặt: hai bên cánh mũi, trán, sau tai; cổ; ngực; lưng), vùng nếp gấp (nếp vú, rãnh liên mông…) Các sẩn nhỏ có thể tập trung thành đám, mảng lớn. Các tổn thương khác có thể gặp như dát phẳng như tàn nhang, hạt cơm gồ cao hay trứng cá bọc.

danien_2_FILEminimizer

dani_en_3_FILEminimizer

Hình ảnh các dạng tổn thương lâm sàng trên bệnh nhân Danier

Các tổn thương có thể gặp ở òng bàn tay chân và móng như các lỗ nhỏ, sâu ở lòng bàn tay, chân; các điểm dày sừng; các khía dọc màu trắng hay đỏ nhạt hình chữ V ở bờ tự do của móng. Đây là dấu hiệu rất gợi ý cho bệnh Darier.

Tổn thương niêm mạc (miệng, thực quản, sinh dục, hậu môn) có thể là các sẩn nhỏ, trắng; quá sản lợi hay tắc tuyến nước bọt.

danien_4_FILEminimizer

Hình ảnh tổn thương móng của bệnh nhân Danier

Hình ảnh mô bệnh học của bệnh Darier thường thấy là tăng sừng hóa, á sừng, loạn sừng từng điểm (các tế bào sừng riêng lẻ chưa trưởng thành và sừng hóa bất thường) dẫn đến hiện tượng ly gai, đứt gãy của thượng bì. Ngoài ra, còn có các hình ảnh quá sản dạng nhú, hình ảnh “corps rond” và “grain”.

danien_5_FILEminimizer

Hình ảnh giải phẫu bệnh của bệnh Danier

* Các thể lâm sàng của bệnh Darier

- Tổn thương dạng bọng nước

- Tổn thương sùi, mùi hôi thối ở các nếp gấp

- Tổn thương dạng sẩn mụn nước, ngứa -› tương tự bệnh Grover

- Biến thể LS khác: tổn thương dạng chai chân, tổn thương giống mụn trứng cá, dát xuất huyết lòng bàn tay, chân…

- Người da màu: có thể có các dát, sẩn giảm sắc tố

- Các thể lâm sàng đặc biệt:

+ Bớt ly gai dị sừng thượng bì (acantholytic dyskeratotic epidermal nevi) hay bệnh Darier thành dải:

Biểu hiện lâm sàng của bệnh là các sẩn sừng hóa như bệnh Darier nhưng khu trú thành dải theo các đường Blaschko. Đây là dạng thể khảm của bệnh Darier.

+ Dày sừng đầu chi dạng hạt cơm (acrokeratosis verruciformis):

 Biểu hiện lâm sàng là các sẩn giống mụn cơm, phẳng, màu da, đối xứng, ở mặt mu bàn tay, bàn chân, có thể khuỷu tay, cẳng tay, đầu gối. Đây là biến thể của bệnh Darier, biểu hiện kiểu hình của mức độ nặng khác của cùng một đột biến gen.

* Chẩn đoán phân biệt

- Thể điển hình: viêm da dầu, dày sừng da dầu, nhiễm nấm Candida.

- Thể sẩn, mụn nước: bệnh Grover

- Thể sùi: Pemphigus sùi

- Thể đầu chi: hạt cơm phẳng

- Thể bọng nước, trợt da: bệnh Hailey-Hailey, Pemphigus vulgaris, chốc, bệnh mô bào ác tính tế bào Langerhans, nhiễm nấm Candida

* Điều trị

Việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng và biến chứng của bệnh.

Đối với thể nhẹ, điều trị triệu chứng bao gồm giữ ẩm da, chống nắng (kem chống nắng, lựa chọn các loại quần áo phù hợp); giảm ngứa bằng kem giữ ẩm da, mỡ corticoid hay kháng sinh dạng bôi; giảm mùi hôi thối bằng việc vệ sinh sạch sẽ, kem tắm có kháng sinh hay chất kháng khuẩn dạng bôi. Ngoài ra, có thể dùng Retinoid dạng bôi.

 Đối với thể nặng, chỉ định dùng Retinoid đường uống, liều 25-30mg/ngày trong 2-4 tuần. Khi sạch thương tổn, duy trì liều thấp nhất có thể để tránh tái phát

Các điều trị khác có thể được áp dụng là ánh sáng trị liệu (Laser) hay phẫu thuật cắt bỏ vùng da dày.

Điều trị các biến chứng bội nhiễm vi khuẩn, vi rút, nhiễm nấm tại chỗ bằng các thuốc đặc hiệu.

Bên cạnh đó, vì hậu quả nặng nề về mặt tâm lý, xã hội của bệnh nên rất cần thiết có những chuyên gia về tâm lý hỗ trợ.

Hơn nữa, công tác chẩn đoán trước sinh và tư vấn di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm những cá thể mang bệnh và giảm tỉ lệ người bị bệnh trong quần thể.

* Kết luận

Đột biến của cùng một gen ATPA2 (NST số 12) mã hóa cho bơm Canxi ở màng lưới nội sinh chất có thể gây ra 3 tình trạng bệnh lý liên quan là bệnh Darier, bệnh Darier thành dải và dày sừng đầu chi dạng hạt cơm.

Bệnh Darier là mạn tính, lành tính, nhưng ảnh hưởng lớn đến ngoại hình, tâm lý và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Retinoid đường uống (Acitretine) hiện nay là thuốc điều trị bệnh hiệu quả.

BS. Nguyễn Thị Hà Vinh

(BV Da liễu Việt nam)

 

 





Facebook
Email: dalieudongdieu@gmail.com
dalieuvietnam@gmail.com

Sơ Đồ Đường Đi

Tìm Kiếm

TỪ ĐIỂN

TÌM HIỂU DA CỦA BẠN

Liên Kết Website



BỘ Y TẾ
BỘ Y TẾ - CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
BV Da liễu trung ương Quy Hòa
BV Da liễu TP.HCM
BV Da liễu Trung Ương
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương

Quảng Cáo

Liên Hệ: 0913.407.557
Quảng cáo
Quảng cáo

FACEBOOK

Số Lượng Truy Cập