BỆNH HỌC

HOẠI TỬ THƯỢNG BÌ NHIỄM ĐỘC (HỘI CHỨNG LYELL)

(Toxic epidermal necrolysis/ Lyell syndrome)

  

        1. Đại cương:

        Hoại tử thượng bì nhiễm độc hay hội chứng Lyell (TEN) là một trong những hội chứng dị ứng thuốc nặng nhất. Bệnh không chỉ biểu hiện ở da như những bệnh nhân bị bỏng nặng, viêm loét hoại tử hầu hết niêm mạc các hốc tự nhiên mà còn có tổn thương nội tạng rất nặng nề.

        Năm 1956, Alan Lyell đã mô tả 4 ca lâm sàng rất chi tiết gồm các triệu chứng da, niêm mạc và nội tạng rất nặng do dùng thuốc và ông gọi là “Hoại tử thượng bì nhiễm độc” (“Toxic epidermal necrolysis”), ngày nay gọi là hội chứng Lyell.

2. Dịch tễ học:

        Bệnh gặp ở tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt màu da, sắc tộc. Nữ gặp nhiều hơn nam (với tỷ lệ 2:1),chủ yếu ở người lớn nhưng cũng có thể gặp ở trẻ em.

        Ở Châu Âu và Mỹ, tỷ lệ mắc khoảng 2-3 trường hợp/ triệu dân/ năm. Tại Đức, những năm 1990 - 1992, tỷ lệ này khoảng 1,17- 1,89 trường hợp/ triệu dân/ năm.

        Tỷ lệ tử vong còn rất cao: trước năm 1960, tỷ lệ tử vong là 80-100%. Hiện nay, còn khoảng 15- 25%. Nguyên nhân tử vong chủ yếu là do nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn phổi, rối loạn nước, điện giải, xuất huyết nội tạng, suy thận.

 3. Căn nguyên gây bệnh:

        - Do thuốc: 80- 95% nguyên nhân của TEN là do thuốc. Tất cả các thuốc đều có thể gây hội chứng này nhưng thường gặp nhất là các thuốc chống viêm không steroid, các sulfamid chậm, thuốc chống động kinh. Ngoài ra còn hay gặp thuốc chống sốt rét, allopurinol, thuốc kháng herpes, hydantoine, thuốc kháng lao…

        - Do nhiễm khuẩn: một số ít trường hợp S.J.S- T.E.N (Stevens Johnson Syndrome - Toxic epidermal necrolysis) do nhiễm khuẩn: Mycoplasma pneumoniae, Histoplasmosis, Adenovirus, virus viêm gan A, Mononucleosid…

- Do tiêm vaccin, huyết thanh.

- Phản ứng thải bỏ mảnh ghép của vật chủ.

- Khoảng 5% trường hợp S.J.S- T.E.N không rõ nguyên nhân (S.J.S– T.E.N tự phát).

4. Triệu chứng lâm sàng:

Bệnh thường xuất hiện sau khi sử dụng các thuốc 1 đến 2 tuần, có trường hợp tới 45 ngày. Phần lớn các trường hợp T.E.N đều gặp ở người dùng trên một loại thuốc, có người dùng tới 4- 5 loại khác nhau:

* Tiền triệu: sau khi dùng thuốc, bệnh nhân sốt, mệt mỏi, viêm đường hô hấp trên, đau đầu, đau họng, ho, đau ngực, đau mỏi cơ khớp, đi ngoài phân lỏng, sau đó tổn thương nhiều hốc tự nhiên rồi xuất hiện thương tổn da từ 1 đến 4 ngày sau.

* Thương tổn da:

- Dát đỏ hình tròn hoặc bầu dục giống ban sởi (morbiliforme), ban tinh hồng nhiệt (scarlatiniforme) hoặc hồng ban toả lan.

- Hồng ban đa dạng.

- Bọng nước bùng nhùng giống như bỏng lửa.

- Các thương tổn nói trên nhanh chóng lan rộng khắp người với lớp thượng bì bị trợt, bị xé rách giống như bị bỏng độ 2, để lộ bên dưới màu da đỏ tươi, đỏ sẫm rỉ dịch hoặc chảy máu, những đám da, những đường mềm bùng nhùng thấm dịch ẩm ướt. Độ rộng của những vùng da bị trợt là một yếu tố tiên lượng rất quan trọng. Trên da vẫn có thể còn những đám da lành.

- Dấu hiệu Nikolsky dương tính.

* Tổn thương niêm mạc: bệnh nhân T.E.N bị viêm loét hầu hết niêm mạc các hốc tự nhiên:

- Mắt: Viêm giác mạc, viêm kết mạc mủ, loét giác mạc, sưng, phù mắt, khó mở mắt, sợ ánh sáng (photophobie);

- Viêm, trợt niêm mạc miệng, loét họng hầu;

- Trợt loét niêm mạc thực quản, dạ dày, tá tràng, ruột;

- Viêm loét âm đạo, âm hộ.

* Dấu hiệu toàn thân:

- Sốt 39-400C, người mệt mỏi, hôn mê hoặc bán hôn mê;

- Bệnh nhân có cảm giác đau rát trên da.

- Tổn thương nội tạng: góp phần làm nặng thêm toàn trạng bệnh nhân. Hay gặp các tổn thương sau:

- Xuất huyết tiêu hoá do trợt loét niêm mạc dạ dày, tá tràng, ruột;

- Viêm phổi, viêm phế quản, phù phổi (30% các trường hợp có biến chứng phổi);

- Viêm cầu thận, hoại tử tiểu cầu thận (albumin niệu, đái máu, tăng creatine);

- Viêm gan (tăng transaminasa, hoại tử tế bào gan), viêm tụy;

- Cơ quan tạo máu: số lượng BC giảm, nhất là BCĐNTT và cả lympho bào, số lượng tiểu cầu giảm cả ở ngoại vi và trung tâm;

- Rối loạn nước điện giải: mất nước do rối loạn lọc nước tiểu, do thoát dịch qua thương tổn da, do không ăn uống được, do rối loạn chuyển hoá muối nước.

- Hạ phospho.

5. Chẩn đoán phân biệt:

       Cần chẩn đoán phân biệt TEN với một số bệnh:

- Chứng ly thượng bì do tụ cầu (ở trẻ sơ sinh, thường không có loét niêm mạc miệng, mô bệnh học thấy hình ảnh tách lớp sừng);

- Các bệnh da có bọng nước do nguyên nhân tự miễn (không có hoại tử lớp thượng bì, miễn dịch huỳnh quang trực tiếp thấy lắng đọng các kháng thể);

- Bỏng: không có tổn thương niêm mạc, mức độ hoại tử da nông sâu khác nhau.

 

ThS. BS. Phạm Thị Hoàng Bích Dịu

 





Facebook
Email: dalieudongdieu@gmail.com
dalieuvietnam@gmail.com

Sơ Đồ Đường Đi

Tìm Kiếm

TỪ ĐIỂN

TÌM HIỂU DA CỦA BẠN

Liên Kết Website



BỘ Y TẾ
BỘ Y TẾ - CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
BV Da liễu trung ương Quy Hòa
BV Da liễu TP.HCM
BV Da liễu Trung Ương
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương

Quảng Cáo

Liên Hệ: 0913.407.557
Quảng cáo
Quảng cáo

FACEBOOK

Số Lượng Truy Cập