BẠN CẦN BIẾT

Tổng quan về nhiễm trùng LTQĐTD và HIV/AIDS tại Việt Nam

 

Ở Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 30/1/2008 có 155.748 người nhiễm HIV, trong đó số bệnh nhân AIDS là 41.357 người và đã có 17.476 người chết do AIDS.

1. Tình hình dịch tễ STI tại Việt Nam
Tổ chức Y tế thế giới ước tính hàng năm có trên 35 triệu trường hợp mới mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD) ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 30/1/2008 có 155.748 người nhiễm HIV, trong đó số bệnh nhân AIDS là 41.357 người và đã có 17.476 người chết do AIDS.
Số bệnh nhân mắc STI theo báo cáo mà Viện Da Liễu Quốc gia nhận được hàng năm trên 130.000 trường hợp, riêng năm 2006 là 202.856 trường hợp. Tuy nhiên, theo ước tính của các chuyên gia thì hàng năm có khoảng gần 1 triệu trường hợp mới mắc STI. Nguyên nhân làm số báo cáo thấp hơn số thực tế là do các phòng khám STI không báo cáo đầy đủ, và bệnh nhân STI còn đến khám tại các cơ sở y tế khác như bác sỹ tư, dược sỹ.
Năm 2003, Trung tâm phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cùng Viện Da Liễu tiến hành một cuộc điều tra về tỷ lệ lưu hành STI/ HIV của các nhóm quần thể dân cư khác nhau tại 5 tỉnh của Việt Nam. Tỷ lệ mắc giang mai (cả giai đoạn sớm và muộn) khoảng 4,5% trong nhóm bệnh nhân đến khám tại phòng khám STI, gái mại dâm và khoảng 0.5% trong nhóm khám tuyển nghĩa vụ quân sự và phụ nữ có thai. Tỷ lệ mắc của lậu (phát hiện bằng phản ứng PCR) cao nhất trong nhóm bệnh nhân khám tại phòng khám STI tại Tp Hồ Chí Minh (10%) và thấp nhất trong nhóm phụ nữ có thai (0,3% - 1,8%). Nhiễm Chlamydia được phát hiện bằng phản ứng PCR và tỷ lệ mắc là 9% trong nhóm tân binh tại Hà nội và 0,5-5% trong nhóm bệnh nhân đến phòng khám STI. Trong nhóm phụ nữ có thai, tỷ lệ mắc Chlamydia từ 1,5% đến 5,8%.
Hiện nay, ở Việt Nam nhiễm HIV mới chỉ đang tập trung trong nhóm nghiện chích ma tuý. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm HIV ngày càng tăng lên trong nhóm gái mại dâm và có nguy cơ tiềm tàng trong nhóm khách làng chơi.

2. Mối liên quan giữa HIV và STI
STI làm tăng sự lây truyền HIV theo cả 2 hướng. Người chưa nhiễm HIV dường như dễ bị nhiễm HIV hơn nếu họ đang bị nhiễm STI, đặc biệt khi có loét. Người nhiễm HIV cũng dễ truyền HIV cho người khác nếu họ đang bị STI.
HIV lây truyền từ người này sang người khác dễ dàng hơn nếu một trong hai người hoặc cả hai bị mắc STI. Những STI quan trọng trong mối tương tác này là giang mai, hạ cam, herpes sinh dục, nhiễm chlamydia, lậu và trùng roi. Các bệnh này làm tăng nguy cơ lây truyền HIV từ 2-9 lần khi bị phơi nhiễm.
Những STI không loét mà chỉ viêm nhiễm cũng làm tăng lây truyền HIV vì trong dịch tiết có gia tăng bạch cầu đa nhân. Các bạch cầu này vừa là mục tiêu vừa là nguồn của HIV. Hơn nữa, viêm nhiễm có thể gây nên các tổn thương vi thể làm cho HIV dễ dàng xâm nhập vào niêm mạc. Những STI không loét được coi là quan trọng hơn vì chúng thường gặp hơn các bệnh có loét sinh dục.
 Nghiên cứu trên thực địa cho thấy rằng một chương trình kiểm soát tốt các STI có hiệu quả làm giảm số bệnh nhân mới mắc HIV. Nghiên cứu này được thực hiện tại một vùng nông thôn ở Châu Phi nơi có nhiều người nhiễm HIV. Nó chứng minh rằng một chương trình phòng chống STI toàn diện theo phương pháp tiếp cận hội chứng đã làm giảm 42% tỷ lệ mới mắc HIV trong cộng đồng sau một khoảng thời gian can thiệp hai năm.
Trái lại, nhiễm HIV sẽ làm cho người bệnh dễ bị mắc các STI hơn. Do sức đề kháng bị suy giảm nên STI ở những người này trở nên khó điều trị (ví dụ herpes sinh dục, sùi mào gà).


3. Hành vi có nguy cơ cao
Hành vi nguy có nguy cơ cao là các hành vi có nguy cơ lây nhiễm STI và HIV.

  • Hành vi tình dục không an toàn.
  • Thay đổi bạn tình thường xuyên.
  • Có nhiều bạn tình.
  • Quan hệ tình dục với các bạn tình gặp ngẫu nhiên, với gái mại dâm hoặc khách làng chơi.
  • Đã từng mắc STI
  • Dùng quan hệ tình dục đổi lấy tiền bạc, quà tặng hoặc ân huệ.
  • Dùng quan hệ tình dục đổi lấy ma tuý hoặc đổi ma tuý lấy tình dục.
  • Dùng dụng cụ bi, nhẫn... xâu vào bộ phận sinh dục (gây chấn thương).
  • Uống rượu hoặc dùng ma tuý trước hoặc trong khi quan hệ tình dục.
  • Truyền máu không an toàn.
  • Bạn tình có quan hệ tình dục với bạn tình khác.
  • Tiêm chích ma tuý.
  • Quan hệ tình dục đồng giới nam.

4.  Hành vi bảo vệ làm giảm nguy cơ lây truyền bệnh:
Hành vi bảo vệ làm giảm nguy cơ lây truyền bệnh là các hành vi tình dục an toàn.

  • Sử dụng bao cao su.
  • Các hành vi tình dục ít nguy cơ như chỉ có kích thích hoặc thủ dâm chứ không có thực hành tình dục xâm nhập.

5. Các nhóm người dễ bị mắc bệnh

  • Gái mại dâm
  • Khách làng chơi
  • Nam giới quan hệ đồng tính
  • Người tiêm chích ma tuý
  • Người nhiễm HIV/AIDS
  • Thanh niên có hoạt động tình dục

5.1. Gái mại dâm
Trong các nhóm trên, nhóm gái mại dâm đóng vai trò rất quan trọng trong dịch tễ học STI và HIV vì họ có nhiều bạn tình và thường xuyên quan hệ tình dục không bảo vệ. Các nghiên cứu đều cho thấy nhóm này có tỷ lệ STI cao. Một báo cáo cho thấy có khoảng 33 – 50% gái mại tham gia nghiên cứu có ít nhất một bệnh STI. Mại dâm ở Việt Nam là bất hợp pháp nên rất khó tiếp cận được đối tượng này. Tỷ lệ dùng bao cao su trong nhóm gái mại dâm còn thấp; 35 – 47% người trả lời nói rằng sử dụng bao cao su thường xuyên, 26 – 50% thỉnh thoảng dùng, 2 – 26% không dùng bao giờ. Một nghiên cứu tại TP Hồ Chí Minh vào cuối năm 2000 cho thấy rằng 42% gái mại dâm dùng bao cao su đối với khách hàng không thường xuyên, 40% với khách hàng thường xuyên, 17% với chồng và bạn tình thường xuyên. Một số lượng đáng kể gái mại dâm cũng tiêm chích ma tuý.  Một nghiên cứu cho thấy khoảng 27 – 46% gái mại dâm sử dụng ma tuý, trong đó 80% theo đường tiêm chích.

5.2.    Khách làng chơi
Khách làng chơi có quan hệ tình dục thường xuyên với gái mại dâm. Nếu như họ không có hành vi tình dục an toàn sẽ dễ mắc STI và HIV/AIDS. Ngoài ra, chính đối tượng này là cầu nối làm cho HIV và STI lan truyền vào cộng đồng. Tỷ lệ STI trong nhóm khách làng chơi rất cao. Một lượng lớn người dân nông thôn ra thành phố kiếm sống và có nhiều khả năng trở thành khách làng chơi.

5.3. Nam quan hệ tình dục đồng giới
Nhóm đối tượng này thường sống kín đáo vì quan niệm thành kiến ở Việt Nam. Dường như nhóm này có tỷ lệ STI cao, ít dùng bao cao su và thường xuyên thay đổi bạn tình. Một nghiên cứu năm 2004 của Viện Vệ sinh Dịch tễ  TW cho thấy tỷ lệ HIV trong nhóm đối tượng này ở TP. Hồ Chí Minh là 8%. Một nghiên cứu gần đây khẳng định là có các hành vi nguy cơ cao trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới ở TP. Hồ Chí Minh. Chỉ có khoảng 32 – 40% nhóm đối tượng này sử dụng bao cao su ở lần quan hệ tình dục cuối cùng, bao gồm cả quan hệ qua hậu môn. Thêm nữa, 81% có quan hệ với bạn tình nam không thường xuyên và 22% có quan hệ tình dục với phụ nữ trong 1 năm gần đây.

5.4. Người nghiện chích ma tuý
Số liệu báo cáo cho thấy nhóm nghiện chích ma tuý thường trả tiền để được quan hệ tình dục và họ ít khi sử dụng bao cao su. Nghiện chích ma tuý và mại dâm thường có quan hệ mật thiết với nhau. 

5.5. Người nhiễm HIV/AIDS
Nhóm này là nhóm có nguy cơ cao vì một số lý do sau: STI gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của những người nhiễm HIV/AIDS và nhiễm STI làm tăng nguy cơ lây truyền HIV.

5.6. Thanh niên có hoạt động tình dục
Số liệu cho thấy rằng tỷ lệ nhiễm Chlamydia trong nhóm tân binh và phụ nữ khám thai là 1-9% tại một số tỉnh. Nhiễm Chlamydia thường không có triệu chứng và bệnh nhân thường đến khám khi đã có biến chứng.

6. Tác nhân gây bệnh
    Bảng sau đây liệt kê một số tác nhân gây STI:

Vi khuẩn

Vi rút

Nấm và các tác nhân khác

Xoắn khuẩn giang mai

Herpes simplex

Nấm men Candida  

Lậu cầu

U mềm lây

Trùng roi âm đạo

Chlamydia trachomatis

HIV

Cái ghẻ  

Trực khuẩn hạ cam

Viêm gan B

Rận mu

Ureaplasma urealyticum

Sùi mào gà

 

Klebsiella granulomatis

   

Gardnerella vaginalis

   

Liên cầu nhóm B

   

Vi khuẩn kỵ khí âm đạo

   
 


          
7. Những biến chứng chủ yếu của STI
7.1.  Phụ nữ và trẻ em
-    Đau bụng dưới mạn tính.
-    Viêm hố chậu (viêm tiểu khung).
-    Vô sinh.
-    Tử vong do biến chứng nhiễm khuẩn máu, chửa ngoài tử cung hoặc ung thư cổ tử cung.
-    Sảy thai tự nhiên, thai chết lưu hoặc tử vong chu sinh.
-    Có thể viêm kết mạc mắt, mù loà hoặc viêm phổi trẻ sơ sinh.
7.2. Nam giới
-    Viêm mào tinh hoàn
-     Vô sinh
-    Chít hẹp niệu đạo

Nguồn: dalieu.vn

 





Facebook
Email: dalieudongdieu@gmail.com
dalieuvietnam@gmail.com

Sơ Đồ Đường Đi

Tìm Kiếm

TỪ ĐIỂN

TÌM HIỂU DA CỦA BẠN

Liên Kết Website



BỘ Y TẾ
BỘ Y TẾ - CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
BV Da liễu trung ương Quy Hòa
BV Da liễu TP.HCM
BV Da liễu Trung Ương
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương

Quảng Cáo

Liên Hệ: 0913.407.557
Quảng cáo
Quảng cáo

FACEBOOK

Số Lượng Truy Cập